Đợi Một Chút..!

Content

Thuốc Vitamin

Glucid được gọi là đường, Protid gọi là đạm, Lipid gọi là mỡ nhưng Vitamin vẫn gọi là Vitamin dù là cán bộ nhân viên y tế hay người dân bình thường. Điều đó càng nhấn mạnh một điều rằng tuy là các nguyên tố vi lượng nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng không thể thay thế.

1.Vitamin là gì?

Vitamin bắt từ tiếng latin được ghép bởi 2 từ “Vital” có nghĩa là thiết yếu, sự sống và “amine” vì thời điểm đó người ta cho rằng đây cũng thuộc nhóm chất dinh dưỡng amine. Tuy nhiên nghiên cứu sau đó chỉ ra một số loại không phải acid amin nên đã đổi Vitamine thanh Vitamin và giữ đến bây giờ.

Vitamin là các chất hữu cơ mà cơ thể không tổng hợp được mà phải bổ sung từ bên ngoài. Nó giúp duy trì các quá trình chuyển hóa ở trong cơ thể được diễn ra bình thường, đảm bảo sự sinh trưởng và hoạt động của cơ thể.

2. Phân loại Vitamin

Vitamin không phải một chất mà là một nhóm chất, và trong một nhóm đấy lại có nhiều thành viên khác nhau ví dụ như Vitamin E là tên gọi chung của tocopherol và tocotrienol…

Việc phân loại nhóm Vitamin có tính ứng dụng nhất để hướng dẫn bệnh nhân cách sử dụng là phân loại theo độ tan.

Vitamin tan trong dầu: Vitamin A, D, E, K.

Vitamin tan trong nước: Vitamin nhóm B (B1, B2, B6, B12…), vitamin C, vitamin PP…

Dựa vào cách phân loại này chúng ta sẽ cung cấp cho người dùng những thông tin gì.

Đối với nhóm Vitamin tan trong dầu:

  • Tăng khả năng hấp thu khi dùng cùng bữa ăn chứa nhiều dầu mỡ. Như vậy nếu cơ thể không hấp thu được mỡ hoặc uống khi bụng đói sẽ rất kém hấp thu.
  • Quá trình hấp thu cần có acid mật làm chất nhũ hóa, do vậy những người gặp bệnh lý về gan (chức năng tổng hợp acid mật kém) sẽ có nguy cơ thiếu đối với nhóm Vitamin này.
  • Có khả năng tích lũy tập trung tại gan và mô mỡ, cho nên nguy cơ bị thiếu ít khi xảy ra và khi dùng liều cao kéo dài dễ gây độc.
  • Tương đối bền vững với nhiệt, ít bị mất trong quá trình nấu ăn.
Câu hỏi: Thuốc nào là dẫn xuất của Vitamin nhưng lại được xếp vào nhóm thuốc cần kiểm soát đặc biệt?
Trả lời: Isotretinoin là một dẫn xuất của Vitamin A được dùng trong điều trị mụn trứng cá, được kiểm soát chặt chẽ về cách và liều dùng đặc biệt ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản vì nguy cơ gây quái thai.
Mở rộng thêm: Vitamin A cần thiết cho bà bầu, nhưng trong các chế phẩm tổng hợp cho bà bầu có nguồn gốc châu Á, hoặc sản xuất dành riêng cho thị trường châu Á thường ít hoặc không có Vitamin A vì cho rằng khẩu phần ăn của người châu Á rất đa dạng các loại rau củ quả nên nguy cơ thiếu Vitamin A là rất thấp, không cần thiết phải bổ sung, tránh nguy cơ dư thừa Vitamin A gây độc.

Đối với nhóm Vitamin tan trong nước:

  • Hấp thu trực tiếp qua thành ruột.
  • Thải trừ qua nước tiểu, nên khi dùng dư sẽ bị đào thải.
  • Không tích lũy trong cơ thể.
  • Kém bền, dễ mất hoặc thay đổi dưới tác động của ánh sáng, nhiệt độ. Cần bổ sung hàng ngày.
Câu hỏi: Tại sao các chế thuốc Vitamin C lại đa số làm dạng viên nang hoặc nếu viên nén sẽ để ở trong lọ tối màu?
Trả lời: Vitamin C rất dễ bị oxy hóa, cần làm dạng viên nang hoặc viên nén trong lọ tối màu để tránh tác động của ánh sáng mặt trời.

3. Nguyên nhân gây thiếu - thừa Vitamin

3.1 Nguyên nhân gây thiếu Vitamin.

3.1.1 Chế độ ăn uống không cân đối.

  • Khẩu phần ăn không đa dạng các thực phẩm giàu Vitamin.
  • Chế độ ăn chay trường kỳ, hoặc giảm cân quá mức.
  • Ăn uống vẫn đầy đủ đa dạng, nhưng cách chế biến thức ăn dẫn đến bị mất Vitamin.

3.1.2 Hấp thu kém

  • Uống các chế phẩm bổ sung Vitamin sai thời điểm.
  • Hội chứng ruột kích.
  • Viêm loét dạ dày, tá tràng.
  • Cắt bỏ dạ dày.
  • Mắc bệnh lý về gan, giảm tiết acid mật dẫn đến kém hấp thu các Vitamin tan trong dầu.
  • Người cao tuổi giảm hấp thu do lão hóa.

3.1.3 Nhu cầu tăng.

  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
  • Trẻ em trong giai đoạn phát triển.
  • Vận động viên hoặc người lao động nặng.

3.1.4 Thói quen và điều kiện sống.

  • Hút thuốc lá (giảm hấp thu Vitamin C).
  • Uống rượu bia nhiều.
  • Ít ra ngoài tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

3.1.5 Sử dụng thuốc dài ngày.

  • Thuốc giảm tiết acid dạ dày (giảm hấp thu Vitamin B12).
  • Thuốc kháng sinh: Loạn khuẩn đường ruột giảm hấp thu Vitamin K.
  • Methotrexat làm thiếu Vitamin B9.

Liên quan đến thuốc còn rất nhiều nhé.

3.2 Nguyên nhân gây thừa Vitamin

Việc thừa Vitamin xảy ra với nhóm Vitamin tan trong dầu do có khả năng tích lũy trong cơ thể cùng với tính bền nên không bị mất đi trong quá trình nấu ăn. Cộng với việc lạm dụng bổ sung các chế phẩm Vitamin tổng hợp.

4. Vai trò của Vitamin

Vitamin có rất nhiều vai trò quan trọng. Một Vitamin có nhiều công dụng và một công dụng có thể đến từ nhiều loại Vitamin.

4.1 Tên gọi khoa học của các Vitamin

Trong rất nhiều các chế phẩm, đặc biệt là chế phẩm ngoại thường hay sử dụng tên khoa học để ghi thành phần của Vitamin.

Vitamin A: Retinols, Carotenoids.

Vitamin E: Tocopherols, Tocotrienols.

Vitamin D: Calciferol.

Vitamin K: Phylloquinones.

Vitamin B1: Thiamin.

Vitamin B2: Riboflavin.

Vitamin B3: Niacin, một dạng amid của Vitamin B3 có tên Niacinamide (Vitamin PP).

Vitamin B5: Pantothenic acid. Có một số dẫn xuất khác như Panthenol, Dexpanthenol (Thuốc Bequantene 100).

Vitamin B6: Pyridoxine.

Vitamin B7: Biotin (còn gọi là Vitamin H).

Vitamin B9: Acid folic.

Vitamin B12: Cobalamin có các dẫn xuất Cyanocobalamin, Methylcobalamin.

Vitamin C: Acid ascorbic.

4.2 Đặc điểm và vai trò của các Vitamin

4.2.1 Vitamin A (Retinol)

Đơn vị đo lường quốc tế của Vitamin A.

1 đơn vị (IU) = 0,6 ug beta-caroten = 0,3 ug Vitamin A.

4.2.1.1 Vitamin A có nhiều trong đâu?

Vitamin A có thể tổng hợp hoặc bổ sung từ tự nhiên. Dạng tự nhiên Vitamin A có dạng tiền chất gọi là Caroten (khi vào cơ thể mới chuyển hóa thành Vitamin A). Có 3 loại đồng phân phổ biến là alpha-caroten, beta-caroten, gama-caroten trong đó phổ biến và có hoạt tính mạnh hơn cả là beta-caroten.

Hàm lượng của Vitamin A có trong một số loại thực vật (tính trong 100mg thực phẩm):

  • Màng đỏ hạt gấc: 38.000ug.
  • Thịt gấc: 15.000ug.
  • Cà rốt: 12.000ug.
  • Mùi tây: 8.320ug.
  • Khoai lang: 7.700ug.

Hàm lượng của Vitamin A có trong một số loại động vật (tính trong 100mg thực phẩm):

  • Gan động vật (gan bò, gan lợn, gan cừu): 5.000 - 6.500ug.
  • Gan cá thu: 85.000ug.
  • Gan cá tuyết: 30.000ug.
  • Trứng chín: 3.300ug.
  • Lươn: 2.000ug.

4.2.1.2 Nhu cầu hàng ngày của Vitamin A.

  • Trẻ sơ sinh: 350-400ug.
  • Trẻ 1 - 3 tuổi: 350-400ug.
  • Trẻ 4 - 9 tuổi: 500-800ug.
  • Trẻ 10 - 12 tuổi: 700-900ug.
  • Người trên 13 tuổi: 800 - 1000ug.
  • Phụ nữ có thai: 900 -1000ug.
  • Phụ nữ cho con bú: 1.300 - 1.400ug.

Ở những khu vực có báo cáo thiếu Vitamin A thì phải dùng Vitamin chế phẩm dạng thuốc:

  • Phòng ngừa thiếu Vitamin A: 5.000 - 10.000 IU/ngày.
  • Điều trị: 30.000 IU/ngày dùng trong 1 tuần.
  • Có thể dùng cách ngắt quảng 3 - 6 tháng uống 1 liều 200.000 IU (trẻ em dưới 1 tuổi uống ½ liều trên).
Lưu ý: Không nên tự ý dùng liều ở trên vì nguy cơ quá liều gây độc, nguy hiểm.
Lưu ý đặc biệt: Vitamin cần thiết cho phụ nữ có thai, tuy nhiên do có khả năng tích lũy nên nếu dùng liều cao, kéo dài gây độc nguy cơ gây quái thai.

4.2.1.3 Vai trò của Vitamin A

Trên mắt: Tạo sắc tố võng mạc, giúp điều tiết mắt, mắt nhìn được trong điều kiện thiếu ánh sáng. Kết hợp với Vitamin C ngăn chặn làm đục thủy tinh thể và thoái hóa tế bào võng mạc. Đây là tác dụng quan trọng nhất của Vitamin A.

Trên da và niêm mạc: Tham gia vào quá trình biệt hóa các tế bào biểu mô ở da và niêm mạc nhất là biểu mô trụ và biểu mô mắt. Có vai trò bảo vệ sự toàn vẹn của cơ cấu và chức năng của biểu giúp nhanh lành vết thương của da.

Trên xương: Cùng với Vitamin D giúp cho sự phát triển của xương, kích thích sự tăng trưởng của tế bào đặc biệt đối với phôi thai, trẻ sơ sinh và trẻ đang lớn. Do vậy trẻ em thiếu Vitamin A sẽ bị còi xương chậm lớn.

Trên hệ miễn dịch: Giúp phát triển lách và tuyến ức, đây là 2 cơ quan tạo ra tế bào Lympho có vai trò miễn dịch. Tiền Vitamin A (Caroten) có khả năng ngăn chặn sự phát triển của bệnh ung thư (ung thư miệng).

Chống Oxy hóa: Cùng với Vitamin E giúp chống oxy hóa, chống lão hóa (các nếp nhăn trên da mặt), chống thoái hóa các mạch, xương sống và tế bào do tác hại của gốc tự do, tia tử ngoại từ ánh sáng mặt trời, chất độc trong thuốc lá.

Ngoài ra thiếu Vitamin A còn dễ tổn thương đường hô hấp, tiết niệu, thiếu máu và giảm nồng độ sắt trong máu.

4.2.2 Vitamin D (Calciferol)

Vitamin D có 2 loại quan trọng đối với cơ thể là Vitamin D2 (Ergosterol và Ergocalciferol) và Vitamin D3 (Cholecalciferol).

Đơn vị quốc tế: 1 đơn vị IU = Hoạt độ sinh học của 0,025 ug Ergocalciferol (Vitamin D2).

4.2.2.1 Vitamin D có nhiều ở đâu?

Vitamin D có nguồn gốc chủ yếu đến từ động vật như sữa, trứng, thịt,..

Trong cơ thể người được tổng hợp bởi tế bào dưới da nhờ tia tử ngoại từ ánh sáng mặt trời. Nếu da được tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời có thể cung cấp 50 - 70% lượng Vitamin D cơ thể cần.

4.2.2.2 Nhu cầu cơ thể của Vitamin D là bao nhiêu?

Nhu cầu hàng ngày:

  • Trẻ sơ sinh: 10ug.
  • Trẻ 1 -3 tuổi: 10 - 15ug.
  • Trẻ 4 - 9 tuổi: 10ug.
  • Trẻ trên 10 tuổi: 10ug.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú: 15ug.

Thiếu Vitamin D gây ra vấn đề gì?

Ở trẻ em đặc biệt ở 2 năm đầu đời.

  • Xương chẩm và xương thái dương mềm, trán bị dô.
  • Từ tháng 6 - 12 có dấu hiệu vẹo xương sườn và lồng ngực.
  • Trẻ 1 tuổi trở đi: Chân tay bị cong, chậm biết đi hoặc đi khó.

Ở người lớn: Đau nhức cơ bắp và xương, đặc biệt ở các vùng xương dài, đau có thể lan đến cột sống và lồng ngực.

Thừa Vitamin D gây ra vấn đề gì?

Khi sử dụng Vitamin D liều cao và kéo dài gây tích lũy dẫn tới ngộ độc gây ra các biểu hiện: Chán ăn, buồn nôn, đi tiểu nhiều, huyết áp cao. Mức độ nặng có thể gây tổn thương thận, tim, phổi, dị tật do dư thừa Calci.

Vitamin D dạng thuốc/TPCN bổ sung:

Phòng còi xương: 500 - 1.000IU/ngày. 

Trị còi xương: 10.000 - 20.000IU chia 2 - 3 lần trong 6 - 8 tuần.

Trị loãng xương: 600.000IU cứ 6 tháng tiêm 1 lần.

4.2.2.3 Vai trò của Vitamin D là gì?

  • Tham gia vào quá trình tạo xương.
  • Vitamin giúp tăng cường hấp thu Calci và Phosphat ở ruột. Tăng tái hấp thu Calci ở ống lượn gần và tham gia vào quá trình Calci hóa sụn tăng trưởng.
  • Điều hòa nồng độ Calci trong máu.
  • Khi nồng độ Calci trong máu giảm, Vitamin D sẽ kết hợp với Hormon tuyến cận giáp để vận chuyển Calci từ xương ra.
  • Tham gia quá trình biệt hóa tế bào biểu mô, kích thích sự phát triển của da, tham gia hoạt động cơ bắp, tổng hợp Insulin của tụy.
  • Vitamin D còn làm cho Calci dồn lên tuyến sữa của mẹ và tham gia vào việc chuyển Calci từ nhau thai vào thai nhi. Như vậy nếu mẹ mang thai bị thiếu Vitamin D có thể sinh ra trẻ bị khuyết tật xương.

4.2.3 Vitamin E (Tocoferol)

Alpha-tocoferol chất có hoạt tính mạnh nhất trong số các chất thuộc nhóm Vitamin E. Hoạt tính của 1mg alpha-tocoferol = 1 đơn vị Vitamin E.

4.2.3.1 Vitamin E có nhiều ở đâu?

Vitamin E tự nhiên có nhiều ở các thực phẩm có dầu hoặc mỡ để giữ cho các tế bào không bị phá hủy oxy hóa biến chất.

Một số thực phẩm giàu Vitamin E (tính trên 100g thực phẩm)

  • Dầu mầm lúa: 120-150mg.
  • Dầu cọ: 25,6mg.
  • Dầu đậu nành: 10,1mg.
  • Dầu ngô: 11,3mg.
  • Dầu thực vật khác: 8 - 40mg.

4.2.3.2 Nhu cầu hàng ngày của Vitamin E là bao nhiêu?

  • Trẻ sơ sinh: 4IU.
  • Trẻ từ 1 - 3 tuổi: 7IU.
  • Trẻ từ 4 - 9 tuổi: 10IU.
  • Trẻ 10 - 12 tuổi: 15IU.
  • Người lớn: 18 - 30 IU.

Lưu ý đặc biệt khi cần bổ sung Vitamin E liều cao hơn.

  • Những người có bệnh nền như cao huyết áp, Cholesterol máu cao, tiểu đường, nghiện thuốc lá: Dùng liều 800IU/ngày.
  • Nhu cầu làm đẹp, da bị lão hóa có thể uống liều 400IU/ngày.
  • Bổ sung Vitamin E cần bổ sung kèm Vitamin C, Vitamin A cùng với các nguyên tố vi lượng  Se, Mg.
  • Người bị bỏng, viêm nhiễm cần bổ sung Vitamin E.
  • Vitamin E làm cho máu khó đông kéo dài thời gian chảy máu nên cần thận trọng khi sử dụng trên người hay chảy máu, cơ thể kháng Vitamin K và cần ngừng sử dụng Vitamin vài tuần trước khi phẫu thuật. Không nên dùng liều quá 200IU/ngày.

4.2.3.3 Vai trò của Vitamin E là gì?

Vitamin E là chất chống oxy hóa mạnh, thu dọn các gốc tự do được sinh ra trong quá trình chuyển hóa, qua đó bảo vệ các acid béo của màng tế bào không bị phá hủy. Ngoài ra các gốc tự do cũng là mầm mống gây ra ung thư.

  • Chống xơ vữa động mạch do giảm sự oxy hóa các Protein tan trong mỡ gây tắc nghẽn động mạch.
  • Tham gia vào quá trình điều hòa sinh sản. Khi thiếu Vitamin E quá trình tạo phôi bị ảnh hưởng và cơ quan sinh sản bị thoái hóa gây vô sinh.
  • Tham gia vào quá trình Phosphoryl hóa - oxy hóa Creatinin ở cơ, ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của cơ và các mô khác.
  • Làm đẹp: Do tác dụng chống oxy hóa giúp làn da mịn màng, giảm nếp nhăn, khô sạm, nám da, tóc khô dễ gãy rụng.

4.2.4 Vitamin K (Phylloquinones)

Có 3 loại Vitamin K: Vitamin K1 (có nguồn gốc thực vật), Vitamin K2 (có nguồn gốc động vật), Vitamin K3 và K khác (nguồn gốc tổng hợp).

4.2.4.1 Vitamin K có nhiều ở đâu?

Vitamin K có nhiều trong các mô của lá xanh, trong các loại củ quả, động vật.

Hàm lượng vitamin K tính trong 100g thực phẩm:

  • Dưa bắp cải: 2.000 - 3.000 ug.
  • Mùi tây: 600 - 900ug.
  • Su su: 200 - 600ug.
  • Súp lơ: 60 - 300ug.
  • Bắp cải: 200 - 600ug.
  • Xà lách: 80 - 200ug.

Phân biệt: Vitamin K1 thì có nhiều ở rau xanh, thực vật còn Vitamin K2 có nhiều ở thực phẩm lên men (dưa cải chua, đậu tương lên men).

4.2.4.2 Nhu cầu hàng ngày của Vitamin K là bao nhiêu?

  • Trẻ sơ sinh: 12ug.
  • Trẻ 1 - 3 tuổi: 15 - 30ug.
  • Trẻ 4 - 9 tuổi: 20 - 60ug.
  • Trẻ 10 -12 tuổi: 50 - 100ug.
  • Trẻ 13 - 19 tuổi: 50 - 100ug.
  • Người lớn: 70 -140ug.

Lưu ý: Khác với các Vitamin khác Vitamin K1 được tổng hợp một phần ở ruột già nên sẽ bị thiếu Vitamin K nếu sử dụng kháng sinh kéo dài làm loạn khuẩn đường ruột.

4.2.4.3 Vai trò của Vitamin K là gì?

Vitamin K (chủ yếu là K1) có vai trò đặc hiệu trong quá trình đông máu tham gia tổng hợp các yếu tố đông máu (Prothrombin và Proconvertin).

Vitamin K (chủ yếu là K2) giúp kích hoạt Osteocalcin là một loại Protein giúp gắn Calci vào xương và răng ngăn ngừa sự lắng đọng của Calci ở những nơi không mong muốn (mạch máu, mô mềm).

Vitamin K2 kích hoạt Matrix Gla Protein (MGP) giúp ức chế sự vôi hóa mạch máu.

Nhờ công dụng đưa Calci đến đúng nơi cần hấp thu là xương và răng nên Vitamin K2 có công dụng trong việc làm tăng mật độ xương, giảm nguy cơ bị loãng xương, trẻ em bị còi xương và còn giảm nguy cơ tác dụng phụ khi bổ sung Calci do “lang thang” trong mạch máu và các mô gây vôi hóa thành mạch (khiến cho thành mạch mất đi độ đàn hồi), đóng sỏi ở thận.

Vitamin K cũng có tác dụng chống oxy hóa bảo vệ tế bào khỏi tổn thương bởi gốc tự do.

4.2.5 Vitamin C (Acid Ascorbic)

Vitamin C là loại Vitamin dễ thiếu nhất của cơ thể do tính kém bền bởi nhiệt độ và ánh sáng. Phân bố ở hầu hết các mô đặc biệt ở tuyến yên, bạch cầu, thượng thận, não. Được đào thải chủ yếu qua nước tiểu ở dạng đã chuyển hóa là dạng muối oxalat và urat, cho nên nếu uống Vitamin C không đúng thời điểm sẽ gây ra nhiều tác dụng không mong muốn.

4.2.5.1 Vitamin  có nhiều ở đâu?

Vitamin C có nhiều trong các loại hoa quả tươi, đặc biệt là các quả có vị chua.

Dưới đây là một số loại quả giàu Vitamin C, hàm lượng tính trên 100g thực phẩm.

  • Ổi: 200-300mg.
  • Kiwi: 93mg.
  • Cam: 53mg.
  • Chanh leo: 30-50mg.
  • Bưởi: 40mg.
  • Dâu tây: 40-90mg.
  • Xoài: 62mg.

4.2.5.2 Nhu cầu hàng ngày của Vitamin D là bao nhiêu?

  • Trẻ sơ sinh: 35mg.
  • Trẻ 1-3 tuổi: 35mg.
  • Trẻ 4-12 tuổi: 40-60mg.
  • Trẻ trên 13 tuổi: 60-100mg.
  • Người lớn: 80-100mg.

Các trường hợp cần lượng Vitamin C cao hơn bình thường:

  • Các vận động viên thể thao.
  • Người thường xuyên lao động nặng, stress, nghiện rượu, hút thuốc lá (thuốc lá phá hủy Vitamin C).
  • Người đang mắc bệnh viêm nhiễm.

Một số lưu ý cho người dùng Vitamin C.

  • Do dạng thải trừ của Vitamin C là muối oxalat và urat là 2 dạng muối gây nên sỏi đường tiết niệu và bệnh gút. Cho nên khi uống Vitamin C cần tránh để cho sản phẩm chuyển hóa đó có thời gian lắng đọng. Nên uống vào buổi sáng hoặc buổi trưa và uống nhiều nước để tăng đào thải sản phẩm chuyển hóa.
  • Là một Vitamin tan trong nước nên thời điểm uống tốt nhất là cách xa bữa ăn. Tuy nhiên do có bản chất là một acid nên Vitamin C uống khi bụng đói có thể gây tác dụng không mong muốn là viêm loét dạ dày tá tràng khi dùng liều cao và kéo dài. Cho nên cần uống sau ăn no đặc biệt với người có tiền sử mắc bệnh lý này.
  • Hiện tượng “bật lại” khi sử dụng Vitamin C. Xuất hiện khi giảm hoặc dừng đột ngột Vitamin C sau một thời gian sử dụng liều cao và kéo dài. Dẫn đến một số phản ứng như sau:
  • Cơ thể thiếu hụt Vitamin C tạm thời: Nguyên nhân của việc này là khi cơ thể chúng ta đưa vào quá nhiều Vitamin C thì các enzym chuyển hóa và thải trừ Vitamin C (như ascorbate oxidase) cũng hoạt động mạnh hơn và khi ngừng đột ngột các enzym đó vẫn còn hoạt động mạnh dẫn đến cơ thể bị thiếu Vitamin C.
  • Phản ứng oxi hóa tăng lên: Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh tham gia vào quá trình trung hòa các gốc tự do. Và khi dừng đột ngột Vitamin C sẽ làm mất cân bằng giữa gốc tự do và chất chống oxy hóa dẫn đến phản ứng oxi hóa tăng lên.
  • Nhạy cảm với liều: Là hiện tượng mà cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, dễ ốm hơn khi ngưng Vitamin C liều cao đột ngột.
Câu hỏi: Cam được biết đến là một loại trái cây có chứa nhiều Vitamin C và thường được sử dụng với mục đích giúp tăng cường sức đề kháng cho người đang bị ốm. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng những người gặp vấn đề về bệnh hô hấp ho có đờm thì không nên dùng cam. Đúng hay sai?
Trả lời
Đây là ý kiến theo dạng 50% của sự thật thì không phải sự thật vậy. Minh oan cho cam.
Trong nước cam có rất nhiều thành phần trong đó có 2 thành phần dẫn đến có ý kiến như vậy.
  • Thứ nhất đó là Acid citric: Chất này có khả năng gây ứng và làm ho tăng lên khiến cho người dùng như có cảm giác đờm nhiều hơn. Tuy nhiên đây là cảm giác chứ nước cam hoàn toàn không làm tăng tiết đờm, bên cạnh đó chúng ta cần lưu ý là đối với ho có đờm thì rất cần phản xạ ho để tống đờm ra ngoài. Cho nên Acid citric trong nước cam gây ho tăng lên nên xét là có lợi trừ khi người dùng kích ứng quá mức gây ra ho quá nhiều thì không nên dùng.
  • Thứ hai đó là đường: Đường tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh. Ngoài ra đường còn làm tăng độ nhớt của nước bọt gây cảm giác “ nhầy hơn trong cổ họng. Đối với vấn đề này chúng ta nên uống nước cam nguyên chất mà không nên cho thêm đường từ bên ngoài.
Cho nên việc uống nước cam trên bệnh nhân ho đờm là hoàn toàn được, chỉ cần lưu ý đánh giá mức độ kích ứng của người dùng với nước cam và không nên cho đường vào. Còn lợi ích giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm viêm là rõ ràng rồi.

4.2.5.3 Vai trò của Vitamin C là gì?

Vitamin C tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa của cơ thể:

  • Tham gia tổng hợp Hormon của tuyến vỏ thượng thận và tuyến giáp.
  • Tác dụng chống oxy hóa kết hợp với Vitamin A và E trong việc trung hòa các gốc tự do bảo vệ tính toàn vẹn của màng tế bào.
  • Tham gia tạo Collagen và các mô liên kết khác giúp da mặt được săn chắc, vết thương chóng liền sẹo, tổ chức xương, răng và mạch máu.
  • Là chất xúc tác cho quá trình chuyển hóa Fe3+ thành Fe2+ làm tăng hấp thu sắt (vì chỉ có Fe2+ mới hấp thu được).
  • Tăng tạo Interferon (một loại Protein được cơ thể tiết ra để tham gia vào phản ứng miễn dịch chống lại Virus) giúp tăng cường sức đề kháng.
  • Giảm nhạy cảm với Histamin phối hợp trong liều chống dị ứng.

4.2.6 Vitamin B1 (Thiamin)

Vitamin B1 có trong rất nhiều loại thực phẩm thường dùng của người Việt Nam, nên ít khi cơ thể bị thiếu. Tuy nhiên đây cũng là một Vitamin không bền nên dễ bị mất đi trong khi chế biến thực phẩm.

4.2.6.1 Vitamin B1 có nhiều ở đâu?

Hàm lượng Vitamin B1 được tính trên 100g thực phẩm:

  • Cám gạo: 1,6 - 2,4mg.
  • Men bia: 1,2 - 7mg.
  • Nấm khô: 2 - 3,5mg.
  • Bột đậu xanh: 1mg.
Câu hỏi. Chúng ta biết rằng lớp màng bọc của hạt gạo chứa rất nhiều Vitamin B1, cho nên nhiều người có xu hướng là không xay xát gạo quá kỹ (giữ lại màu đục đục của lớp vỏ) cộng với khi vo gạo cũng chỉ nhẹ tay nhằm giữ lại càng nhiều Vitamin B1 càng tốt. Đây là hành động nên hay không nên và cần lưu ý gì?
Trả lời: Chính xác là lớp màng ngoài của hạt gạo chứa rất nhiều Vitamin B1. Tuy nhiên cần lưu ý rằng giữa gạo xay xát kỹ (Gạo trắng tinh) và gạo xay xát bình thường (vỏ gạo còn màu đục) thì gạo xay xát qua loa có nguy cơ bị nhiễm nấm mốc cao hơn kèm theo cũng khó nhận biết dựa vào màu sắc cảm quan. Cho nên muốn thực hiện theo phương pháp đó thì cần chú ý đến thời gian và điều kiện bảo quản gạo. 
Và nếu như để an toàn hơn thì nên xay xát kỹ cho gạo trắng tinh, vì Vitamin B1 có dạng tổng hợp giá rất rẻ, chúng ta có thể mua uống bổ sung thay vì làm theo xu hướng trên.

4.2.6.2 Nhu cầu hàng ngày của Vitamin B1 là bao nhiêu?

  • Trẻ sơ sinh: 0,4mg.
  • Trẻ 1 - 3 tuổi: 0,7mg.
  • Trẻ 4 - 9 tuổi: 0,8mg.
  • Trẻ 10 - 12 tuổi: 1,2mg.
  • Trẻ 13 - 19 tuổi: 1,3mg.
  • Người lớn: 1,3 - 1,5mg.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú: 1,8mg.

4.2.6.3 Vai trò của Vitamin B1 là gì?

  • Vai trò quan trọng nhất của Vitamin B1 là tham gia vào quá trình chuyển hóa Glucid sinh năng lượng.
  • Vitamin B1 cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh. Tham gia vào quá trình dẫn truyền thần kinh.
  • Phòng ngừa bệnh Beriberi: Bệnh do thiếu nghiêm trọng Vitamin B1 kéo dài. Bệnh này có 2 loại:
  • Loại khô (Dry Beriberi): Ảnh hưởng chủ yếu lên hệ thần kinh đặc biệt là hệ thần kinh ngoại biên. Gây ra các triệu chứng như yếu cơ, tê liệt, mất cảm giác, vận động di chuyển khó khăn. Nếu không phát hiện và điều trị sớm dẫn đến liệt và mất khả năng vận động.
  • Loại ướt (Wet Beriberi): Ảnh hưởng chủ yếu lên tim mạch gây ra các biểu hiện như phù nề (đặc biệt ở chân và cổ), khó thở, nhịp tim nhanh. Nếu không phát hiện điều trị kịp thời dẫn đến suy tim và tử vong.
  • Hỗ trợ chức năng tim mạch.

Giải thích cho những vai trò trên

Vitamin B1 là coenzym của enzym Decarboxylase và enzym Transketolase. Hoạt động của 2 enzym này giúp chuyển hóa Glucose thành năng lượng cung cấp cho các cơ quan quan trọng là não, tim, cơ bắp. Ngoài ra còn chuyển hóa nhóm ceton trong chu trình chuyển hóa Glucid.

Vì vậy, khi thiếu Vitamin B1 sẽ không đủ cung cấp năng lượng cho tim, não, cơ bắp. Ngoài ra còn gây ứ đọng các Cetonic trong máu gây rối loạn chuyển hóa, viêm dây thần kinh ngoại biên.

4.2.7 Vitamin B2 (Riboflavin).

4.2.7.1 Vitamin B2 có nhiều ở đâu?

Hàm lượng Vitamin B2 tính trong 100g hoặc 100ml thực phẩm.

  • Gan bò: 2,9mg.
  • Trứng: 0,34 - 0,6 mg.
  • Sữa: 0,18mg.
  • Phô mai: 0,35 - 0,45mg.
  • Hạnh nhân: 1,1mg.

4.2.7.2 Nhu cầu hàng ngày của Vitamin B2 là bao nhiêu?

Trẻ sơ sinh: 0,6mg.

Trẻ 1 - 3 tuổi: 0,8mg.

Trẻ 4 - 9 tuổi: 1mg.

Trẻ 10 - 12 tuổi: 1,4mg.

Trẻ trên 13 tuổi và người lớn: 1,5 -1,8mg.

Một số trường hợp có thể bổ sung Vitamin B2 với liều cao hơn: Phụ nữ có thai và cho con bú, nghiện rượu, tiêu hóa kém, tiểu đường, viêm da, viêm loét niêm mạc mũi - miệng.

Bổ sung Vitamin B2 cho nước tiểu màu vàng cam.

4.2.7.3 Vai trò của Vitamin B2 là gì?

Vitamin B2 là coenzym của khoảng 20 loại enzym, quan trọng nhất là FMN (Flavin mononucleotid) và FAD (Flavin adenin nucleotide) cần cho sự hô hấp của mô.

Tham gia vào quá trình chuyển hóa Glucid, Protid và Lipid.

Điều hòa chức phận của thị giác (cấu tạo võng mạc và giác mạc), dinh dưỡng da, niêm mạc.

Nếu thiếu Vitamin B2 sẽ gây lưỡi đỏ, loét miệng, mũi, tổn thương mắt.

4.2.8 Vitamin B3 (Niacin) (Vitamin PP Nicotinamid).

Chất được dùng phổ biến làm thuốc là nicotinamid (Vitamin PP).

4.2.8.1 Vitamin PP có nhiều ở đâu?

Vitamin PP có nhiều trong gan, thận, thịt cá, các loại rau xanh, ớt ngọt, gà tây…

4.2.8.2 Nhu cầu hàng ngày của Vitamin PP là bao nhiêu?

  • Trẻ sơ sinh: 6mg.
  • Trẻ 1 - 3 tuổi: 9mg.
  • Trẻ 4 - 9 tuổi: 12mg.
  • Trẻ 10 - 12 tuổi: 14mg.
  • Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn: 15 - 18mg.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú: 20mg.

4.2.8.3 Vai trò của Vitamin PP là gì?

Vitamin PP là thành phần của 2 coenzym NAD và NADP có chức năng vận chuyển Hydro trong phản ứng oxi hóa khử. Do vậy có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa cholesterol, acid béo và tạo năng lượng cho tế bào.

Vitamin PP có 2 dạng là acid nicotinic và nicotinamide. Trong đó Nicotinamit không gây độc khi bổ sung dư thừa còn Acid Nicotinic gây ra cơn bốc hỏa, buồn nôn, đánh trống ngực, nổi các nốt đỏ ở cổ, mặt, cánh tay.

Khi dùng liều cao Vitamin B3 có tác dụng giảm LDL và tăng HDL, gây giãn mạch ngoại vi. Làm thông mạch, chống lại sự đông máu, tắc nghẽn. Tuy nhiên, không nên tự ý sử dụng Vitamin B3 liều cao với ý định điều trị mỡ máu vì những tác dụng phụ khi quá liều đã nêu ở trên.

Mở rộng.
Bệnh Pellagra là một bệnh có nguyên nhân do thiếu Vitamin B3 gây ra 3 biểu hiện điển hình:
  • Bệnh ngoài da: Nổi mụn rộp bóng nước đỏ thẫm (ở vùng da hở - da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời), khi vỡ gây đau rát, tróc vảy, sần sùi.
  • Rối loạn cơ quan tiêu hóa: Viêm màng nhầy dẫn đến sưng lưỡi, miệng. Viêm dạ dày - ruột gây đau bụng, tiêu chảy.
  • Rối loạn tâm thần: Mê sảng, ảo giác, lú lẫn.

4.2.9 Vitamin B5 (Acid Pantothenic)

4.2.5.1 Vitamin B5 có nhiều ở đâu?

Hàm lượng tính trên 100g thực phẩm:

  • Gan: 4 - 1mmg.
  • Trứng: 6 - 7mg.
  • Nấm: 1,4 - 2mg.

4.2.5.2 Nhu cầu hàng ngày của Vitamin B5 là bao nhiêu?

  • Trẻ dưới 3 tuổi: 3mg.
  • Trẻ 4 - 9 tuổi: 4 - 7mg.
  • Trên 10 tuổi: 7 - 10mg.

4.2.5.3 Vai trò của Vitamin B5 là gì?

  • Tổng hợp Coenzym A có vai trò trong quá trình tổng hợp và phân giải acid béo và chuyển hóa Glucid tạo năng lượng, tổng hợp Sterol, Hormon Steroid, Porphyrin.
  • Dùng trong điều trị các bệnh về tóc như rụng tóc, bạc tóc.

4.2.10 Vitamin B6 (Pyridoxin)

Vitamin B6 tồn tại ở 3 dạng là Pyridoxin, Pyridoxal, Pyridoxamin nhưng vào cơ thể cả 3 dạng đều chuyển thành Pyridoxal phosphat. Khi ăn nhiều Protid nhu cầu về Vitamin B6 sẽ tăng lên.

4.2.10.1 Vitamin B6 có nhiều ở đâu?

Vitamin B6 có nhiều trong men bia, mầm lúa, gan, hồng cầu…

Hàm lượng Vitamin B6 có trong 100g thực phẩm:

  • Gan bò: 0,9mg.
  • Ức gà: 0,5mg.
  • Thịt lợn: 0,6mg.
  • Men khô: 1,5 - 10mg.
  • Mầm lúa mì: 1 - 5mg.

4.2.10.2 Nhu cầu hàng ngày của Vitamin B6 là bao nhiêu?

  • Trẻ sơ sinh: 0,3 - 0,6mg.
  • Trẻ 1 -3 tuổi: 0,8mg.
  • Trẻ 4 - 9 tuổi: 1,4mg.
  • Trẻ 10 - 12 tuổi: 1,6mg.
  • Trên 13 tuổi: 2 - 2,2mg.
  • PNCT và CCB: 2,5mg.

4.2.10.3 Vai trò của Vitamin B6 là gì?

Tác dụng quan trọng nhất của Vitamin B6 là trên thần kinh và quá trình tạo máu.

  • Chuyển hóa năng lượng: Là coenzym tham gia vào các quá trình chuyển hóa, đặc biệt là quá trình chuyển Glycogen thành Glucose cung cấp năng lượng cho tế bào.
  • Sản xuất Hemoglobin (cả nhân Hem và chuỗi Globin): Là coenzym tham gia vào quá trình chuyển hóa Porphyrin, một tiền chất của Hem. Tham gia vào quá trình sản xuất các amino acid cần thiết để tổng hợp Globin là một chuỗi Polypeptide.
  • Kiểm soát quá trình hấp thu Sắt từ thức ăn giúp duy trì nồng độ sắt thích hợp trong cơ thể.
  • Hỗ trợ chức năng hệ thần kinh: Tham gia vào quá trình sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh bao gồm Serotonin, Dopamine, GABA giúp duy trì chức năng thần kinh khỏe mạnh, giảm lo âu trầm cảm.
  • Hỗ trợ sức khỏe tim mạch: Tham gia vào quá trình chuyển hóa Homocysteine là một acid amin có liên quan đến nguy cơ tim mạch (Xơ vữa động mạch, đột quỵ), rối loạn thần kinh (Alzheimer), huyết khối.
  • Chuyển hóa Tryptophan thành Vitamin PP.
  • Làm thuốc chống nôn do thai nghén cho PNCT. 

4.2.11 Vitamin B9 (Acid folic).

Là loại Vitamin quan trọng đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai và trong suốt thời kỳ mang thai. Trong cơ thể được khử thành Tetrahydrofolate là coenzym của nhiều quá trình chuyển hóa.

4.2.11.1 Vitamin B9 có nhiều ở đâu?

Vitamin B9 có nhiều trong thịt cá, gan, trứng nhưng rất dễ bị phân hủy trong quá trình chế biến.

Chế độ ăn uống hàng ngày cung cấp đủ Vitamin B9 cơ thể cần, tuy nhiên trên những đối tượng đặc biệt đề cập bên dưới nên bổ sung thêm Vitamin B9 dạng chế phẩm như thuốc hoặc TPCN để kiểm soát tốt hơn hàm lượng đưa vào cơ thể.

4.2.11.2 Nhu cầu hàng ngày của Vitamin B9 là bao nhiêu?

  • Trẻ sơ sinh: 30ug.
  • Trẻ 1 - 3 tuổi: 100ug.
  • Trẻ 4 - 12 tuổi: 400ug.
  • PNCCB: 500ug.
  • PNCT: 800ug.

Một số trường hợp khác cần phải bổ sung Acid folic hàm lượng cao hơn: Người dùng thuốc kháng Acid folic (sử dụng thuốc Methotrexate), thuốc chống động kinh (Hydantoin), người bị sốt rét, thiếu máu tan máu,... 

4.2.11.3 Vai trò của Vitamin B9 là gì?

  • Tham gia vào quá trình phát triển và phân chia tế bào: Là chất phối hợp cùng men Thymidilate Synthetase tổng hợp nên Acid Nucleic, ADN, ARN.
  • Phòng ngừa dị tật ống thần kinh (nứt đốt sống) của thai nhi.
  • Tham gia vào quá trình sản xuất và sinh trưởng bình thường của hồng cầu. Thiếu Acid folic gây ra thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ.

4.2.5 Vitamin B12 (Cobalamin)

Vitamin B12 là tên gọi chung cho một nhóm các cobalamin như Cyanocobalamin, Hydroxocobalamin, Methylcobalamin,...

Vitamin B12 muốn hấp thu qua đường tiêu hóa cần yếu tố nội (một glycoprotein do tế bào niêm mạc dạ dày bài tiết) cho nên những người cắt bỏ một phần hoặc hoàn toàn dạ dày dễ có nguy cơ thiếu Vitamin B12.

4.2.12.1 Vitamin B12 có nhiều ở đâu?

Hàm lượng Vitamin B12 tính trên 100g thực phẩm:

  • Gan bò: 1000ug.
  • Gan gà: 200ug.
  • Thịt bê: 16ug.
  • Cá: 10-40ug.
  • Trứng: 7-30ug.

4.2.12.2 Nhu cầu hàng ngày của Vitamin B12 là bao nhiêu?

  • Trẻ sơ sinh: 1ug.
  • Trẻ 1 - 12 tuổi: 2ug.
  • Trẻ 13 - 19 tuổi: 3ug.
  • PNCT và CCB: 4ug.

Một số trường hợp cần bổ sung Vitamin B12 liều cao hơn hoặc thay đổi đường cung cấp thay vì uống.

  • Người ăn chay trường.
  • Người cao tuổi (do chức năng lão hóa hấp thu kém).
  • Người cắt bỏ dạ dày.
  • Người dùng thuốc kháng Vitamin B12: Thuốc tiểu đường, thuốc điều trị Gút, thuốc ngừa thai.

4.2.12.3 Vai trò của Vitamin B12 là gì?

2 vai trò quan trọng nhất của Vitamin B12 là trên thần kinh và hồng cầu. Khi thiếu Vitamin B12 gây ra các vấn đề như:

  • Thiếu máu ưu sắc hồng cầu to.
  • Viêm đa dây thần kinh, rối loạn trí nhớ và tâm thần.
  • Hay bị tê cứng chân tay, kiến bò, thoái hóa cảm nhận về xúc giác, thính giác, thị giác.

Vitamin B12 cần thiết cho việc tạo ra các tế bào mới đặc biệt là các cơ quan cần sự tái tạo nhanh: máu, ruột non, dạ con…