Đợi Một Chút..!

Content

Thuốc Cảm Cúm - Cảm Lạnh

Cảm cúm là tổng hợp nhiều triệu chứng, nên trong học phần này sẽ nói tổng hợp về nhiều loại thuốc bao gồm thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc giảm ho, thuốc sổ mũi, ngạt mũi... Và nhóm thuốc này tương đối dễ học vì toàn các thuốc OTC nên sẽ nói về một số lưu ý ít được chú ý.

Cảm lạnh và cảm cúm trên bệnh nhân thực tế rất khó để phân biệt và việc phân biệt chúng cũng không mang lại ý nghĩa nhiều trong việc điều trị. Việc sử dụng kháng sinh hay thuốc kháng virus cần có bằng chứng và được kê đơn.

1. Phenylephrine

Được dùng để giảm ngạt mũi, giảm chảy nước mũi và thường phối hợp với Paracetamol trong các thuốc cảm cúm tổng hợp. (Decolgen, Tiffy)

Một trong những chủ quan của người dùng thuốc là hay tính liều theo cân nặng dựa trên Paracetamol mà ít để ý đến Phenylephrine.

Phenylephrine là thuốc tác động lên hệ thần kinh giao cảm gây co mạch nên dễ gây ra những biến chứng bất lợi trên huết áp - tim mạch.

Những đối tượng cần lưu ý khi sử dụng Phenylephrine.

Trường hợp chống chỉ định:

  • Bệnh tim mạch nặng, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành.
  • Tăng huyết áp nặng, Block nhĩ thất, xơ cứng động mạch, nhịp nhanh thất.
  • Cường giáp nặng hoặc bị glocom góc đóng.

Thuốc gây co mạch làm tăng huyết áp. Gây nhịp tim chậm, giảm thể tích máu trong tuần hoàn, giảm lưu lượng máu đến thận cũng như nhiều mô khác trong cơ thể.

Không dùng cho phụ nữ có thai vì có nguy cơ gây thiếu oxy máu và chậm nhịp tim của thai. Thuốc cũng qua được sữa mẹ không nên dùng.

Phần này sẽ được nói rõ hơn ở học phần sử dụng thuốc trên đối tượng đặc biệt.

2. Paracetamol.

Là thuốc giảm đau hạ sốt thông dụng và an toàn vì điều trị sốt do mọi nguyên nhân nhưng không làm giảm thân nhiệt ở người bình thường. Cơ chế là do ức chế tổng hợp Prostaglandin (Xem bài học thuốc NSAID).

Cần lưu ý khi sử dụng trên đối tượng suy giảm chức năng gan.

Dùng quá liều Paracetamol có thể dẫn đến tổn thương gan nặng và đôi khi là hoại tử ống thận cấp.

Câu hỏi: N-Acetylcystein là thuốc được dùng để xử trí quá liều Paracetamol. Vậy trong phác đồ điều trị có sử dụng thuốc long đờm có thành phần N-Acetylcystein (Acemuc) và Paracetamol thì có làm giảm tác dụng của thuốc không.
Trả lời: Một lượng Paracetamol sau khi uống sẽ được chuyển hoá thành  N-acetyl-p-benzoquinonimin (NAPQI), NAPQI được khử bằng Glutathione và đào thải qua nước hoặc mật. Lượng NAPQI được tạo thành tương đối ít và Glutathione ở gan đủ để liên hợp với NAPQI. Nhưng nếu chức năng gan kém hoặc dùng quá liều Paracetamol sẽ gây độc do NAPQI được tạo ra.

3. Chlopheniramin

Là thuốc thuộc nhóm kháng Histamin H1 nên có tác dụng giảm tính thấm thành mạch giảm thoát dịch (gây phù niêm mạc như mũi làm ngạt mũi) ngoài ra vì là thuốc thuộc thế hệ 1 nên có tác dụng kháng Cholinergic làm giảm tiết dịch.

Nhìn chung Chlopheniramin bao trùm được rất nhiều triệu chứng của cảm cúm như hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, ngạt mũi. Do vậy trong hầu hết các loại thuốc cảm cúm kết hợp đều sẽ có hoạt chất này.

Lưu ý: Thuốc gây buồn ngủ nên cần thận trọng với người lái xe và vận hành máy. Có thể tận dụng yếu tố này để chọn thời điểm uống phù hợp, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc cũng sẽ giúp tình trạng bệnh nhanh khỏi. Khi bệnh nhân có đờm, cần uống thêm nhiều nước vì thuốc làm đờm đặc quánh hơn, khó tống ra ngoài.

4. Dextromethorphan

Là thuốc có tác dụng giảm ho, dùng cho ho khan, ho kích ứng mức độ nhẹ đến trung bình. Có cơ chế là tác động lên trung tâm ho ở hành não gây ức chế.

So sánh với một thuốc khác cũng ức chế ho là Codein thì đối với ho mãn tính và ho do kích ứng hiệu lực là tương đương với Dextromethorphan, nhưng Dextromethorphan ít tác dụng phụ hơn.

Lưu ý: Hồ là một phản xạ nhằm tự bảo vệ hệ hô hấp như loại bỏ các yếu tố gây kích ứng, dị vật. Cho nên không nên dùng Dextromethorphan một cách tùy tiện. Đặc biệt với trường hợp ho có đờm và trên trẻ em.

5. Bromhexin

Thuộc nhóm thuốc long đờm có cơ chế là hoạt hoá tổng hợp sialomucin và phá vỡ các sợi acid mucopolysaccharide làm cho đờm loãng hơn và bớt quánh lại.

Thuốc có tác dụng sau khi uống khoảng 2-3 ngày.

Bromhexin bị chuyển hoá bước đầu ở gan rất mạnh nên sinh khả dụng đường uống kém, bù lại một trong số những chất chuyển hoá vẫn có hoạt tính là Ambroxol, và sau này người ta dùng luôn Ambroxol làm thuốc.

Lưu ý: Một ưu điểm của Bromhexin khi phối hợp với các thuốc kháng sinh như Amoxicillin, Cefuroxim, Erythromycin,..sẽ giúp tăng nồng độ kháng sinh vào mô phổi và phế quản. Do vậy có thể xem Bromhexin như một thuốc bổ trợ cho kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp.

Thuốc không khuyến cáo dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai và đang cho con bú.

Cần thận trọng khi sử dụng với người có tiền sử loét dạ dày do thuốc làm tiêu chất nhầy, có thể gây phá huỷ lớp niêm mạc bảo vệ.

6. Acetylcystein

Acetylcystein là thuốc long đờm có cơ chế cắt đứt liên kết disulfua là cầu nối các Glycoprotein có nhiều trong đờm tạo nên độ đặc quánh của đờm, qua đó giúp đờm loãng hơn và bị tống ra ngoài.

Ngoài ra Acetylcystein có tác dụng bảo vệ niêm hô hấp do giảm sản xuất các chất trung gian gây viêm như Cytokine.

Lưu ý: Thuốc chống chỉ định cho người có tiền sử hen phế quản và trẻ em dưới 2 tuổi.
Mở rộng: Acetylcystein sau khi được hấp thu sẽ được chuyển hoá mạnh qua gan lần đầu thành L-cystein, là một tiền chất của Glutathione - Chất chống oxy hoá quan trọng. Chính vì vậy còn có một chỉ định khác của Acetylcystein là giải độc quá liều Paracetamol do bù lại lượng thiếu hụt Glutathione.

7. Guaifenesin

Guaifenesin là một thuốc loãng đờm nhờ việc làm tăng tiết dịch phế quản.

Cơ chế: Thuốc kích thích niêm mạc dạ dày, dẫn đến kích thích dây thần kinh phế vị (còn gọi là dây thần kinh X - dây thần kinh lang thang). Nhờ kích thích này sẽ làm cho phế quản tăng tiết dịch và làm loãng đờm.

Thuốc làm giảm sự liên kết của Protein trong đờm, giúp đờm bớt đặc dính hơn.

Thuốc có chỉ định trong điều trị ho có đờm hoặc hỗ trợ làm sạch đường hô hấp sau phẫu thuật.

Câu hỏi: Thuốc có tác dụng loãng đờm và không có chỉ định cho ho khan nhưng trong một số chế phẩm thuốc lại có sự kết hợp của Guaifenesin và Dextromethorphan. Lý do tại sao?
Trả lời: Các thuốc có tác dụng loãng đờm cần thận trọng khi sử dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi bởi vì các bé chưa có phản xạ ho để tống đờm ra nên dễ có nguy cơ bị ngạt thở do đờm ứ đọng. Tuy nhiên với người lớn thì khác, có thể trên lý thuyết việc phối hợp thuốc ức chế ho như Dextromethorphan với thuốc loãng đờm là phối hợp không hợp lý, nhưng nhìn chung vẫn có thể phối hợp vì có thể ho, khạc chủ động. Do vậy, việc dùng thêm thuốc tăng tiết dịch như Guaifenesin sẽ giúp làm sạch đường hô hấp. Các yếu tố gây ho có thể theo dịch để tống xuất ra ngoài. Bên cạnh đó việc tiết dịch cũng giúp giảm bớt cảm giác khô cổ họng do ho khan.

8. Ambroxol

Thuộc nhóm thuốc long đờm và là chất chuyển hóa của Bromhexin nên cũng sẽ có tác dụng bổ trợ khi dùng cùng kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn hô hấp. Ngoài ra Ambroxol có tính chất kháng viêm, gây tê tại chỗ thông qua chẹn kênh Natri ở màng tế bào.

Chỉ định ưu tiên trong đợt cấp của viêm phế quản mạn, hen phế quản. Chống chỉ định với loét dạ dày tá tràng tiến triển.

 

Mục Lục