Đợi Một Chút..!

Content

Thuốc Tăng Huyết Áp

Thuốc huyết áp tim mạch là nhóm thuốc kê đơn và có khoảng điều trị hẹp. Dược sĩ tại nhà thuốc không được phép và cũng không nên tự ý bán khi không có chỉ định của bác sĩ. Tăng huyết áp còn được gọi là “Kẻ giết người thầm lặng” nhưng nếu như tự ý dùng thuốc hạ huyết áp khi chưa có chỉ định về thuốc và liều dẫn đến nguy cơ hạ huyết áp quá mức, nguy hiểm có thể đến với bệnh nhân còn sớm thấy hơn tăng huyết áp.

Tăng huyết áp (THA) được xem là bệnh lý mạn tính và 90-95% các trường hợp là không có nguyên nhân. Chính vì vậy mà các thuốc điều trị tăng huyết áp là rất nhiều vì mỗi thuốc sẽ có một cơ chế và một đích tác dụng riêng, gây khó khăn trong việc ghi nhớ cho người dược sĩ tại nhà thuốc.

1. Tổng quan về thuốc điều trị tăng huyết áp và cơ chế tác dụng của thuốc

 Để đơn giản hóa việc học nhóm thuốc này hãy liên tưởng đến hệ thống bơm nước có ngay tại nhà mình và tìm thấy sự tương đồng thông qua hình ảnh bên dưới.

 

Với hệ thống cấp nước tại nhà:

Sẽ có những ngày vòi nước nhà mình rất yếu (yếu hay mạnh là do áp lực được tạo ra của nước trong lòng ống). Nguyên nhân có thể có:

  • Hết nước tại bể chứa.
  • Nước còn ở bể chứa nhưng lực vẫn yếu, cần lắp thêm máy bơm để làm cho nước mạnh hơn.

Về hệ thống tuần hoàn huyết áp:

70% trọng lượng cơ thể là nước nên có thể xem cả cơ thể chúng ta là một bể chứa.

Tim đóng vai trò như một máy bơm để bơm máu đi khắp các cơ quan trong cơ thể thông qua hệ thống ống dẫn là các mạch máu.

Huyết áp = Cung lượng lượng tim  x  sức cản ngoại vi

  • Cung lượng tim phụ thuộc vào khối lượng máu lưu thông và hoạt động của hệ thần kinh giao cảm.
  • Khối lượng máu lưu thông chính là tổng thể tích máu và phụ thuộc vào việc giữ nước và thoát nước của cơ thể.
  • Hoạt động của hệ thần kinh giao cảm sẽ tác động lên tim làm tăng co bóp cơ tim và tần số tim.
  • Sức cản ngoại vi tăng khi có hiện tượng co mạch.

Từ cơ chế hình thành nên huyết áp đó mà các thuốc điều trị tăng huyết áp được nghiên cứu và ra đời, hướng tới các đích cụ thể.

  • Giảm thể tích tuần hoàn: Có thuốc lợi tiểu, Thuốc chống giữ nước.
  • Giảm hoạt động của tim: Thuốc thần kinh giao cảm (thuốc chẹn Beta).
  • Thuốc làm giãn mạch ngoại vi.

2. Các thuốc điều trị tăng huyết áp và tác dụng phụ thường gặp.

Đối với dược sĩ tại nhà thuốc không nhất thiết cần hiểu rõ cơ chế tác dụng của từng nhóm thuốc cụ thể vì không có nhiều ứng dụng vì sử dụng thuốc tác động lên huyết áp - tim mạch nên 100% tuân theo chỉ định của bác sĩ, thay vào đó nên nắm được các tác dụng phụ cũng như những lưu ý quan trọng dành cho bệnh nhân trong quá trình dùng thuốc.

Một số thuốc có tác dụng phụ biểu hiện giống với một số bệnh thông thường hay gặp, dẫn đến điều trị mãi không khỏi.

Câu hỏi: Thuốc huyết áp nào gây ra tác dụng phụ là ho khan?
Trả lời: Ho khan có thể nguyên nhân từ hô hấp, từ bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản và từ thuốc. Thuốc điều trị huyết áp gây ra tác dụng phụ đó là nhóm ức chế men chuyển (ACEI).
Nguyên nhân của tác dụng phụ trên đó là do enzym ACE có tham gia vào phân huỷ Bradykinin. Khi enzym ACE bị ức chế sẽ gây tích tụ Bradykinin ở trong phổi gây giãn mạch, tăng tính thấm thành mạch và kích thích các thụ thể ho ở hô hấp. Ngoài ra, Bradykinin còn tăng giải phóng ra Prostaglandin và Substance P đều là những chất gây phản xạ ho.
Lưu ý: Khi bệnh nhân đến nhà thuốc muốn mua thuốc điều trị ho khan, dù đã uống nhiều nơi nhưng vẫn không cải thiện, cần khai thác thêm tiền sử bệnh và những thuốc đang dùng. Có thể do bệnh trào ngược dạ dày - thực quản hoặc do sử dụng thuốc huyết áp ACEI.
Câu hỏi: Tăng độc tính lên thận và thính giác nguy cơ điếc không hồi phục là tương tác của thuốc điều trị huyết áp nào với thuốc kháng sinh nào?
Trả lời:
Trên thận: Thuốc lợi tiểu quai Furosemid gây độc cho thận do giảm tưới máu thận, tổn thương ống thận cấp, làm mất Kali và Magne rối loạn điện giải. Kết hợp với kháng sinh nhóm Aminoglycosid gây tổn thương ống thận hoại tử ống thận cấp. Việc sử dụng đồng thời 2 thuốc này sẽ làm gia tăng nguy cơ biến cố trên thận cho người sử dụng.
Trên tai: Furosemid gây ức chế kênh Na+/K+/Cl- ở tai trong làm rối loạn cân bằng ion trong nội dịch tai đặc biệt bên trong ốc tai dẫn đến tổn thương tế bào lông của tai trong. Ngoài ra Furosemid còn làm tăng tính thấm thành mạch trong tai dẫn đến phù và tổn thương mạch máu trong tai. Hậu quả là giảm dẫn truyền âm thanh nguy cơ điếc tạm thời hoặc điếc không hồi phục. Aminoglycosid cũng có độc tính lên tai do có thể khuếch tán vào nội dịch tai trong và có thời gian bán thải dài, gây độc lên tế bào lông ở ốc tai tổn thương không hồi phục có thể mất thính lực vĩnh viễn.
Câu hỏi: Thuốc điều trị huyết áp nào dùng được cho phụ nữ có thai?

Trả lời: Thuốc đầu tay điều trị huyết áp cho phụ nữ có thai là Methyldopa và được xếp vào mức độ B trong thang phân loại độ an toàn của FDA. Nội dung này sẽ được mở rộng thêm ở học phần “Đối tượng đặc biệt”.
Câu hỏi: Thuốc huyết áp nào khi dừng đột ngột có hiện tượng “Bật”?
Trả lời: Thuốc chẹn Beta.
Mở rộng: Mục tiêu điều trị huyết huyết áp không phải là khỏi dứt điểm mà là đưa mức huyết áp về huyết áp mục tiêu và kiểm soát nó. Người sử dụng thuốc huyết áp gần như là phải sử dụng cả đời, không được tự ý bỏ thuốc giữa chừng vì nguy cơ xảy ra tai biến nguy hiểm. Thuốc chẹn beta sẽ gây ra hiện tượng bật thuốc khi dừng đột ngột vì cơ chế của thuốc là giảm nhịp tim và giảm cung lượng tim, khi dừng đột ngột sẽ gây ra các biểu hiện:
  • Nhịp tim và huyết áp tăng nhanh đột ngột.
  • Nguy cơ đau thắt ngực, loạn nhịp tim (đặc biệt là ở trên bệnh nhân có tiền sử bệnh mạch vành).
Câu hỏi: Thuốc điều trị huyết áp nào gây nguy cơ rối loạn cương dương và giảm sinh lý ở nam giới?
Trả lời: Thuốc chẹn Beta thế hệ cũ (Propranolol, Atenolol), thuốc lợi tiểu (Thiazid, Spironolacton, Furosemid).
Thuốc chẹn Beta
  • Thuốc chẹn Beta làm giảm lưu lượng máu đến dương vật dẫn đến khó đạt và duy trì cương dương.
  • Giảm hoạt động của thần kinh giao cảm dẫn đến giảm ham muốn, mệt mỏi.
  • Ức chế sản xuất Testostrol do giảm hoạt động của thần kinh giao cảm → tuyến yên ít tiết hormon LH hơn → Giảm kích thích tế bào Leydig của tinh hoàn sản xuất Testosterone. Bên cạnh đó việc giảm lượng máu đến tinh hoàn cũng làm tế bào Leydig giảm sản xuất Testosterone.
  • Tăng tiết Prolactin làm ức chế tiết LH → Giảm sản xuất testosterone.
Thuốc lợi tiểu
  • Giảm thể tích tuần hoàn, giảm lưu lượng máu đến dương vật.
  • Tăng đào thải kẽm qua nước tiểu làm mất kẽm giảm sản xuất Testosterone.
  • Làm mất K+ và Mg2+ gây yếu cơ, mệt mỏi ảnh hưởng đến phản xạ cương của dương vật. Và rối loạn dẫn truyền thần kinh ảnh hưởng đến kích thích tình dục.
Câu hỏi: Thuốc điều trị huyết áp nào có tác dụng phụ là gây đỏ bừng mặt?
Trả lời: Là những thuốc có tác dụng gây giãn mạch ngoại vi, hay gặp nhất trong các thuốc thường gặp là nhóm chẹn kênh Calci đặc biệt là Nifedipin. Cơ chế là do giãn mạch ngoại đặc biệt là động mạch làm tăng lưu lượng máu đến da gây đỏ bừng mặt.
Câu hỏi: Khi huyết áp tăng cao đột ngột, bệnh nhân muốn tìm mua viên đặt dưới lưỡi là thuốc gì?
Trả lời: Là các thuốc có tác dụng giãn mạch nhanh và mạnh như Captopril, Nifedipin, Nitroglycerin.
Lưu ý: tăng huyết áp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng nếu để huyết áp tụt nhanh và còn thấp còn nguy hiểm hơn, liên đến sinh mạng người sử dụng. Nếu bệnh nhân đang sử dụng thuốc huyết áp theo đơn duy trì trước đó rồi mà đột nhiên huyết áp tăng cao cần được đưa đến viện để được xử trí kịp thời.
Mục Lục