Đợi Một Chút..!

Bệnh IgA Bọng Nước Thanh Dải

Bệnh IgA bọng nước thanh dải (Linear IgA Bullous Dermatosis – LABD) là một bệnh da bóng nước tự miễn hiếm gặp, đặc trưng bởi sự lắng đọng kháng thể IgA thành dải tuyến tính tại màng đáy (basement membrane zone – BMZ), dẫn đến sự hình thành các bọng nước dưới thượng bì.

1. Nguyên nhân gây bệnh IgA bọng nước thanh dải

Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra LABD vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh có thể khởi phát do sự kết hợp giữa yếu tố tự miễn, di truyền, và yếu tố môi trường (đặc biệt là thuốc và nhiễm trùng).

1.1 Cơ chế tự miễn dịch

  • Cơ thể sản sinh kháng thể IgA chống lại các protein tại màng đáy da, phổ biến là:
    • BP180 (collagen type XVII) – một protein xuyên màng trong hemidesmosome.
    • Ngoài ra còn có thể là LAD-1, LABD97 – các đoạn phân tử của BP180.
  • Sự kết dính của IgA tại màng đáy dẫn đến hoạt hóa bổ thể, thu hút bạch cầu trung tính, từ đó phá vỡ liên kết giữa thượng bì và trung bì, hình thành bọng nước.

1.2 Thuốc – Yếu tố khởi phát hàng đầu

Một số loại thuốc được chứng minh có thể gây ra hoặc kích hoạt bệnh IgA bọng nước thanh dải, đặc biệt là ở người lớn. Trong đó, thuốc hay gặp nhất là:

Thuốc

Tác dụng

Vancomycin

Tác nhân gây bệnh LABD phổ biến nhất, chiếm đến 70–80% ca liên quan thuốc.

NSAIDs (diclofenac, ibuprofen…)

Gây kích ứng miễn dịch.

Kháng sinh nhóm beta-lactam (penicillin, cephalosporin)

Tạo phức hợp kháng nguyên làm thay đổi cấu trúc da.

Furosemide

Lợi tiểu nhưng có thể gây phản ứng da miễn dịch.

Captopril

Ức chế men chuyển, có khả năng tạo phản ứng tự miễn.

Các thuốc này có thể gắn kết vào cấu trúc màng đáy, làm bộc lộ kháng nguyên, kích hoạt phản ứng IgA.

1.3 Nhiễm trùng

  • Một số ca bệnh ghi nhận LABD xuất hiện sau nhiễm trùng như:
    • Nhiễm virus đường hô hấp trên.
    • Viêm họng liên cầu.
    • Nhiễm vi khuẩn hoặc nấm.

Giả thuyết: nhiễm trùng có thể kích hoạt đáp ứng miễn dịch chéo, làm rối loạn nhận diện kháng nguyên tại màng đáy.

1.4. Yếu tố di truyền và cơ địa

  • Một số nghiên cứu cho thấy bệnh có liên quan đến HLA-B8, DR3, và DQ2, những gen thường thấy trong các bệnh tự miễn khác.
  • LABD có thể gặp ở bệnh nhân mắc bệnh tuyến giáp tự miễn, viêm ruột mạn tính, lupus ban đỏ…

1.5 Bệnh lý ác tính liên quan

Hiếm gặp nhưng cần lưu ý: LABD có thể liên quan đến các bệnh ác tính như:

  • U lympho không Hodgkin.
  • Ung thư đại trực tràng.
  • Ung thư phổi.

Trong những trường hợp này, LABD có thể là một phần của hội chứng cận u (paraneoplastic syndrome).

2. Triệu chứng lâm sàng của bệnh IgA bọng nước thanh dải

2.1 Tiền triệu

Trên bệnh nhân LABD có thể biểu hiện tiền triệu là ngứa kéo dài hoặc cảm giác rát bỏng thoáng qua trước khi xuất hiện tổn thương. Một số bệnh nhân lại có tổn thương như đau, sưng nề, chảy dịch.

2.2 Triệu chứng lâm sàng

* Tổn thương da

  • Tổn thương da cơ bản là các đám mụn nước, bóng nước chứa dịch trong và/hoặc xuất huyết sắp xếp thành hình tròn hoặc hình bầu dục trên nền da bình thường hay nền da đỏ/mảng da đỏ phù đạng mày đay.
  • Các thương tổn này sắp xếp thành đám, thành cụm giống bệnh Herpes nền còn gọi là hình thái herpes (herpetiform) hay tập trung ở rùa bờ dát đỏ trông giống hình ảnh vòng trang sức nên còn được gọi là “vòng trang sức”, Tổn thương có thể sắp xếp theo hình nhẫn hoặc hình đa cung.
  • Các tổn thương khác là mảng đỏ, dát, sẩn giống hồng ban đa dạng hay các tổn thương thứ phát như vảy tiết, vết trợt, vết loét.

* Sự phân bố của các tổn thương khác nhau giữa người lớn và trẻ em.

  • Ở người lớn:
  • Vị trí đầu tiên thường ở các chi, sau đó có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Vùng đáy chậu và quanh miệng ít gặp hơn. Hình ảnh các tổn thương tương tự như viêm da dạng herpes (DH), Pemphigoid bọng nước (BP) hay hồng ban đa dạng.
  • Hình thái giống Herpes thì vị trí hay gặp là các mặt duỗi của đầu gối và khuỷu tay.
  • Ở trẻ em:
  • Tổn thương điển hình thường xuất hiện trước tuổi dậy thì với một khởi phát đột ngột là bọng nước ở bộ phận sinh dục, sau đó lan đến tay, chân và mặt.
  • Thời kỳ toàn phát tổn thương chủ yếu ở vùng bụng dưới, sinh dục ngoài và vùng đáy chậu. Ngoài ra còn thấy các tổn thương ở tay, chân, mặt, đặc biệt là vùng quanh miệng.

Cả trẻ em và người lớn, tổn thương có thể đối xứng hoặc không.

Tổn thương da khi lành không để lại sẹo. Tuy nhiên, khi bệnh kéo dài, tổn thương niêm mạc khi lành để lại sẹo và có thể gây nên hậu quả nặng nề. Viêm lợi thứ phát có thể làm hỏng răng. Tổn thương ở mắt rất khó phân biệt được với Pemphigoid sẹo và có thể đưa đến mù lòa. Ngoài ra, có thể thấy được tổn thương ở hầu họng, thanh quản, mũi, trực tràng, thực quản…

* Tổn thương niêm mạc

  • Khoảng 50% các trường hợp LABD ở cả người lớn và trẻ em có tổn thương trong miệng. Triệu chứng bao gồm các mụn nước trợt loét, dát đỏ, viêm lợi, viêm môi trợt…Các biểu hiện này có thể xuất hiện trước khi có tổn thương da.
  • Có thể thấy tổn thương ở mắt như kích ứng, khô, nhạy cảm ánh sáng, nhìn mờ, sẹo giác mạc và thậm chí mù lòa.

3. Chẩn đoán bệnh IgA bọng nước thanh dải

3.1 Chẩn đoán xác định bệnh

3.1.1 Chẩn đoán lâm sàng

Dựa trên biểu hiện tổn thương da đặc trưng: bọng nước, phân bố đối xứng, dạng chuỗi hạt chủ yếu ở rìa bờ trên nền ban đỏ/sản phù dạng mày đay, kèm ngứa dữ dội và có thể có tổn thương niêm mạc.

3.1.2 Chẩn đoán cận lâm sàng

  • Sinh thiết da thường quy: Cho thấy hình ảnh tách lớp thượng bì – trung bì, kèm thâm nhiễm bạch cầu trung tính tại vùng tiếp giáp.
  • Miễn dịch huỳnh quang trực tiếp (DIF): Là tiêu chuẩn vàng. Phát hiện dải IgA tuyến tính tại vùng màng đáy (DEJ) – dấu hiệu đặc trưng của LABD.
  • Nếu là LABD tự phát: Khoảng 50% cho thấy lắng đọng cả IgA và IgG ở màng đáy.
  • Nếu là LABD do thuốc: Chủ yếu lắng đọng IgA (89%) ở màng đáy, không có IgG.
  • Miễn dịch huỳnh quang gián tiếp (IIF): Ít nhạy hơn nhưng có thể hỗ trợ chẩn đoán.

3.2 Chẩn đoán phân biệt

LABD có thể bị nhầm với các bệnh bóng nước khác, bao gồm:

Bệnh

Dấu hiệu phân biệt chính

Pemphigus vulgaris

DIF: IgG dạng lưới giữa tế bào thượng bì. Không có dải IgA tuyến tính.

Pemphigoid

DIF: Dải IgG/C3 tại đường nối thượng bì-trung bì.

Duhring - Brocq

Bọng nước nhỏ, kèm ngứa dữ dội. DIF: IgA lắng đọng dạng hạt ở nhú bì.

Epidermolysis bullosa acquisita

DIF: Dải IgG tại DEJ; thường không có IgA.

Ghi chú: DIF là miễn dịch huỳnh quang.

4. Điều trị bệnh IgA bọng nước thanh dải

4.1 Mục tiêu điều trị

  • Làm lành tổn thương da.
  • Kiểm soát triệu chứng ngứa và ngăn ngừa tái phát.
  • Giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc trong điều trị dài hạn.

4.2 Các lựa chọn điều trị chính

4.2.1 Tại chỗ

Đắp gạc nếu tổn thương trợt loét, thuốc sát khuẩn tại chỗ, mỡ corticoid khi tổn thương khô.

4.2.2 Toàn thân

Dapsone

  • Là lựa chọn hàng đầu.
  • Liều khởi đầu: 50–100mg/ngày, điều chỉnh theo đáp ứng và cân nặng.
  • Cơ chế: Ức chế hoạt động bạch cầu trung tính, giảm phản ứng viêm.
  • Theo dõi: Công thức máu, men gan, G6PD trước khi dùng để tránh tan máu, methemoglobin.

Corticosteroid toàn thân

  • Áp dụng trong trường hợp tổn thương lan rộng hoặc không đáp ứng Dapsone.
  • Liều: Prednisolon 0.5–1 mg/kg/ngày → giảm dần khi kiểm soát được triệu chứng.

Các thuốc ức chế miễn dịch khác

  • Methotrexate, Azathioprine, Mycophenolate mofetil: Dành cho bệnh nhân không dung nạp Dapsone hoặc kháng trị.
  • Rituximab: Được cân nhắc trong thể nặng, đặc biệt là thể kháng trị.

Điều trị hỗ trợ

  • Thuốc kháng histamin giảm ngứa.
  • Chăm sóc tổn thương da: giữ sạch, chống nhiễm trùng bằng kháng sinh tại chỗ (nếu cần).
  • Bổ sung dinh dưỡng, đặc biệt với trẻ em hoặc bệnh nhân bị tổn thương niêm mạc miệng – thực quản.

5. Biến chứng của LABD

  • Tổn thương da thứ phát do nhiễm trùng: Viêm mô tế bào, mụn mủ.
  • Tổn thương sẹo hoặc giảm sắc tố/hyperpigmentation sau lành.
  • Biến chứng niêm mạc mắt: Có thể gây sẹo, dính mi – nhãn cầu, nguy cơ mất thị lực nếu không điều trị sớm.
  • Tác dụng phụ của thuốc điều trị: đặc biệt là Dapsone (thiếu máu tán huyết, methemoglobinemia) và corticoid (loãng xương, tăng huyết áp, tăng đường huyết…).

6. Tiên lượng

  • LABD là bệnh lành tính, tiên lượng tốt nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.
  • Trẻ em thường tự lui bệnh sau vài năm, ít tái phát.
  • Người lớn có thể kéo dài và tái phát nhiều lần nhưng vẫn kiểm soát tốt với điều trị duy trì.

Bệnh IgA bọng nước thanh dải là một bệnh tự miễn phức tạp, trong đó thuốc là nguyên nhân khởi phát thường gặp nhất, đặc biệt là vancomycin. Việc hiểu rõ nguyên nhân giúp hỗ trợ chẩn đoán, ngừng thuốc nghi ngờ và lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

Mục Lục