Đợi Một Chút..!

Content

Khám Bất Thường Đi Tiểu

Bất thường đi tiểu sẽ bao gồm cảm giác khi đi tiểu, màu sắc của nước tiểu, số lượng nước tiểu. Những bất thường này sẽ liên quan trực tiếp tới hệ tiết niệu hoặc không. Thường gặp nhất tại nhà thuốc là bệnh nhiễm trùng tiểu.

1. Rối loạn khi tiểu tiện

Dung tích bàng quang bình thường có thể chứa khoảng 300ml. Khi nước trong bàng quang gần đầy sẽ có phản xạ kích thích bàng quang co bóp, đồng thời cơ thắt cổ bàng quang cũng được mở và nước tiểu được tống ra ngoài. Khi cố tình nhịn đái, bàng quang sẽ căng phồng (chủ yếu là dãn bên trong của các nếp gấp) có thể chứa được 500 - 800ml hoặc nhiều hơn

1.1 Đái buốt, đái dắt và đái nhiều lần

1.1.1 Định nghĩa

Đái buốt: Là cảm giác đau buốt trước lúc đái, trong lúc đái hoặc sau lúc đái. Đau có cảm giác nóng rát thường tăng dần lên vào cuối kỳ đái. Mức độ đau sẽ khác nhau, có người rất khó chịu, đứng ngồi không yên, lo lắng, bồn chồn; phụ nữ đau có khi chảy nước mắt; nam giới thường phải dùng tay ôm lấy quy đầu.

Đái dắt: Là tình trạng đái lắt nhắt nhiều lần trong ngày. Mỗi lần số lượng nước tiểu rất ít, chỉ được vài ml hoặc vài giọt. Đái xong được một lúc lại có cảm giác mót đái ngay nhưng có khi không được giọt nước tiểu nào.

Đái nhiều lần: Giống với đái dắt là cũng đi nhiều lần trong ngày nhưng số lần nhiều hơn khoảng 20-30 lần/ngày, điểm khác nữa là mỗi lần đi đều có nước tiểu có thể được 300ml hoặc 70-80ml.

1.1.2 Tìm hiểu nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Đái buốt, đái dắt

Nguyên nhân thường là do bàng quang bị kích thích bởi yếu tố viêm, yếu tố ngoại lai hoặc do ngưỡng kích thích bị hạ thấp. Một số nguyên nhân có thể như sau:

  • Tại bàng quang: Viêm bàng quang, lao bàng quang, u bàng quang, sỏi, dị vật.
  • Tại niệu đạo: Viêm niệu đạo, sỏi niệu đạo.
  • Tại tuyến tiền liệt: Viêm hoặc áp xe tuyến tiền liệt, u tuyến tiền liệt kèm theo nhiễm khuẩn.
  • Vùng lân cận: Viêm quanh hậu môn, viêm trực tràng, u trực tràng, nhiễm giun kim, viêm bộ phận sinh dục nữ, u xơ tử cung.

Đái nhiều lần

Nguyên nhân do dung tích bàng quang giảm hoặc giảm ngưỡng kích thích phản xạ đái.

  • Lao bàng quang mạn gây xơ dày thành bàng quang, bàng quang teo nhỏ.
  • Khối u, ung thư bàng quang → chiếm phần lớn dung tích chứa của bàng quang.
  • Khối u ngoài bàng quang gây chèn ép vào bàng quang.

Đái nhiều lần cũng có thể đến từ nguyên nhân rối loạn chức năng thần kinh bàng quang làm giảm ngưỡng chịu kích thích của bàng quang, làm mở cổ bàng quang sớm, thường gặp ở bệnh nhân:

  • Có rối loạn tâm thể.
  • Bị chấn thương hoặc bệnh lý ở tủy sống.

1.1.3 Chẩn đoán phân biệt

Cần phân biệt rõ đái dắt hay đái nhiều lần bằng hỏi bệnh kỹ, đo thể tích nước tiểu mỗi lần đái và số lần đi đái trong ngày. Cần soi bàng quang, đo dung tích bàng quang, thăm trực tràng, khám bộ phận sinh dục để phân biệt nguyên nhân.

1.2 Đái không tự chủ

1.2.1 Định nghĩa và phân loại

Đái không tự chủ là một trạng thái bệnh lý trong đó người bệnh không chủ động điều khiển được các lần đái trong ngày. Nước tiểu cứ tự rỉ ra thường xuyên hoặc từng lúc, có nhận biết hoặc không nhận biết được.

Phân loại

* Đái không tự chủ hoàn toàn: Nước tiểu thường xuyên rỉ ra, không còn phản xạ đi đái.

* Đái không tự chủ không hoàn toàn:

  • Bệnh nhân vẫn còn phản xạ đi đái được nhưng chưa kịp đái nước tiểu đã rỉ ra quần, không nín nhịn được. Đái rỉ giọt sau khi đái xong.
  • Bệnh nhân không còn cảm nhận được: khi thấy quần lót bị ướt mới biết là có nước tiểu rỉ ra, thường gặp ở bệnh nhân nữ có niệu quản lạc chỗ cắm vào âm đạo một bên.

1.2.2 Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Cơ chế bệnh sinh

  • Cơ chế thần kinh: Tổn thương ở vỏ não, ở não và tủy sống.
  • Cơ thành bàng quang mất tính đàn hồi.
  • Cơ thành bàng quang và hệ thống cơ thắt bàng quang - niệu đạo bị suy yếu.
  • Mất cân bằng giữa khả năng của dung tích bàng quang và hệ thống cơ thắt ở cổ bàng quang - niệu đạo.
  • Dị dạng đường tiết niệu.

Nguyên nhân chính gây đái không tự chủ

* Nguyên nhân thần kinh

  • Gai cột sống.
  • Chấn thương cột sống.
  • Biến chứng tổn thương thần kinh trong đái tháo đường.
  • Tai biến mạch máu não.
  • Bệnh Parkinson.

* Nguyên nhân không phải thần kinh

  • Do vận động: Suy yếu cơ thắt bàng quang - niệu đạo ở người bị bệnh mạn tính, có nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc nhiễm khuẩn hệ thống.
  • Do cơ học: Nguyên phát hoặc thứ phát do tự trào nước tiểu trong trường hợp bí đái ở đàn ông, co bóp bàng quang không ổn định.
  • Do kích thích: bàng quang quá nhạy cảm gặp trong các trường hợp như viêm bàng quang, sỏi, u vùng tam giác bàng quang.
  • Đái rỉ giọt sau khi đái xong: Thường gặp ở người nhiều tuổi có tăng sinh tiền liệt tuyến.
  • Do thuốc: Đang sử dụng thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc lợi tiểu cũng có thể gây ra đái không tự chủ.

* Nguyên nhân ngoài cơ thắt

  • Rò niệu đạo - âm đạo.
  • Rò bàng quang - âm đạo.
  • Niệu quản bị dị dạng cắm vào âm đạo ở phụ nữ.
  • Bẩm sinh.

1.2.3 Chẩn đoán phân biệt

  • Phân biệt với chứng đái dầm: Là đái tự động trong giấc ngủ.
  • Phân biệt với đái nhỏ giọt: Gặp ở người bị phì đại tuyến tiền liệt lành tính.
  • Phân biệt với chứng đái không hết bãi: Đái xong lại đái thêm.

1.3 Đái dầm

Đái dầm là đái vào lúc đang ngủ và bản thân người đái không biết là mình đái, khi đái xong tỉnh dậy thấy quần bị ướt, có khi nằm mơ thấy mình đi đái thất.

Đái dầm thường gặp ở trẻ em và lớn lên thì ít gặp hơn.

Trong khi ngủ thì thận vẫn làm việc và đưa nước tiểu xuống bàng quang. Ở người khỏe mạnh sức chứa của bàng quang đủ chịu đựng để không gây mót đái đến khi trời sáng. Hoặc đến ngưỡng kích thích thì sẽ gây thức giấc để đi đái.

Người bị đái dầm thường là do các yếu tố thần kinh và tinh thần cho nên khi trong giấc ngủ nằm mơ thấy mình đang đái và đái dầm, có thể lớn lên sẽ tự hết. Cũng có thể do bệnh nhân bị viêm bàng quang làm cho bàng quang quá nhạy cảm với sức căng, cơ thắt bàng quang tự động mở khi đang ngủ.

1.4 Bí đái

Bệnh nhân không đái được mặc dù bàng quang đã chứa nhiều nước tiểu. Thường chức năng thận vẫn còn và tiếp tục sản xuất nước tiểu. Khi bị bí đái bệnh nhân sẽ đau tức vùng bàng quang, bàng quang sẽ căng phồng và được gọi là có cầu bàng quang.

Nguyên nhân chủ yếu là do tắc niệu đạo hoặc ở cổ bàng quang. Ở niệu đạo có thể là do sỏi có kích thước lớn không qua được và bị mắc kẹt lại ở niệu đạo.

Tắc nghẽn cũng có thể do có khối u ở bàng quang hoặc sự tăng sinh của tiền liệt tuyến làm chèn ép cổ bàng quang, niệu đạo.

2. Rối loạn về thể tích nước tiểu

Rối loạn về thể tích nước tiểu tiểu bao gồm: Thiểu niệu (đái ít), vô niệu và đái nhiều.

2.1 Định nghĩa

2.1.1 Thiểu niệu

Là tổng thể tích nước tiểu trong ngày dưới 500ml, hoặc dưới 20ml/giờ.

2.1.2 Vô niệu

Vô niệu là do thận không sản xuất được nước tiểu do mất chức năng, dù đã thông bàng quang vẫn không có nước tiểu (nguyên nhân không nằm ở phía bài xuất). Vô niệu hoàn toàn là trong 24h không đái được giọt nào còn trong thực hành lâm sàng khi lượng nước tiểu dưới 100ml/24 giờ thì phải coi là vô niệu hoàn toàn.

2.1.3 Đái nhiều

Lượng nước tiểu đái ra sẽ gần như cân bằng với lượng nước uống vào (vì đây là con đường đào thải nước chính của cơ thể, những con đường khác như hơi thở hay mồ hôi sẽ ít hơn).

Bình thường mỗi ngày sẽ đái khoảng 1,2 - 1,5 lít. Trong lâm sàng nếu thường xuyên bệnh nhân đái trên 2,5 lít/ngày thì phải coi đây là đái nhiều bệnh lý. Trong một số trường hợp thì bệnh nhân có thể đái lên đến 4 lít, 6 lít thậm chí 10 lít/ngày.

2.2 Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

2.2.1 Thiểu niệu, vô niệu

Là triệu chứng chủ đạo của suy thận cấp tính do nhiều nguyên nhân gây ra:

  • Trước thận: Mất máu, mất nước, tụt huyết áp, suy tim, các trường hợp có sốc
  • Tại thận: Viêm cầu thận cấp, ngộ độc cấp, dị ứng, viêm thận bể thận cấp, sốt rét ác tính, nhiễm leptospira,...
  • Sau thận: Sỏi, u, phì đại tiền liệt tuyến, mổ thắt nhầm niệu quản.

Cơ chế bệnh sinh

  • Thiếu máu thận cấp, làm giảm mức lọc cầu thận.
  • Hoại tử ống thận cấp, tắc ống thận cấp.
  • Nước tiểu trong lòng ống thận chảy trở lại do tổn thương ống thận.
  • Tăng áp lực tổ chức kẽ thận.

2.2.2 Đái nhiều

  • Chức năng sinh lý bình thường nhưng do uống quá nhiều nước hoặc đang truyền dịch.
  • Do viêm mạn tính tổ chức kẽ thận làm giảm khả năng cô đặc nước tiểu → đái nhiều.
  • Do viêm ống thận cấp bước sang giai đoạn đái trở lại, đặc biệt là trong suy thận cấp do bỏng, đái nhiều có thể kéo dài nhiều tháng.
  • Do bệnh đái tháo đường, đái tháo nhạt làm tăng áp suất thẩm thấu ở nước tiểu → kéo nước vào đường tiểu → đái nhiều.

2.2.3 Chẩn đoán phân biệt

  • Cần phân biệt vô niệu với bí đái: Bí đái hoàn toàn cũng có lượng nước tiểu < 100ml/ngày hoặc không có nước tiểu nhưng có kèm theo cầu bàng quang. Phải đo lượng nước tiểu 24h và khám tìm dấu hiệu cầu bàng quang, khi cần phải thông bàng quang.
  • Phân biệt đái nhiều và đái nhiều lần: cần phải đo tổng lượng nước tiểu trong 24h, đo dung tích bàng quang.

3. Rối loạn về màu sắc nước tiểu

3.1 Đái máu

Bình thường nước tiểu sẽ không có hồng cầu hoặc lượng hồng cầu có là không đáng kể.

3.1.1 Định nghĩa thế nào là đái máu

Đái máu là sự xuất hiện hồng cầu trong nước tiểu và được gọi là có hồng cầu niệu trong nước tiểu. Và được chia ra là đái máu vi thể và đái máu đại thể.

  • Đái máu đại thể: Là khi hồng cầu niệu nhiều, nước tiểu có màu hồng cho đến màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, để lâu hoặc ly tâm có lắng cặn hồng cầu hoặc trong nước tiểu có máu cục.
  • Đái máu vi thể: Là khi số lượng hồng cầu có đáng kể nhưng chưa đủ làm thay đổi màu sắc của nước tiểu. Phải ly tâm nước tiểu mới thấy lắng cặn hồng cầu hoặc nhìn qua kính hiển vi mới thấy và đếm được số lượng hồng cầu.

Để đánh giá có đái máu không thì cần có số liệu là bao nhiêu hồng cầu trong nước tiểu, tuy nhiên việc này là bất khả kháng tại nhà thuốc nên bỏ qua.

Lưu ý với đái máu đại thể. Để có định hướng ban đầu nguồn gốc đái máu đại thể có thể làm nghiệm pháp 3 cốc:
  • Đái máu đầu bãi: Trong 3 cốc thì cốc đầu đỏ nhất, cốc sau nhạt màu dần → là biểu hiện của tổn thương niệu đạo.
  • Đái máu cuối bãi: Cốc đầu nhạt nhất, cốc cuối đỏ nhất → thường là tổn thương tại bàng quang.
  • Đái máu toàn bãi: Cả 3 cốc đều đỏ → Có thể nguồn gốc trên thận, niệu quản xuống hoặc do tổn thương nặng tại bàng quang.

3.1.2 Nguyên nhân

Bệnh cầu thận

Hội chứng cầu thận cấp, viêm cầu thận IgA, viêm cầu thận nguyên phát, hội chứng Alport, bệnh cầu thận màng đáy mỏng, bệnh hệ thống như viêm thận lupus…

Có thể kèm theo phù, tăng huyết áp, suy thận. Thường không có triệu chứng của nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Từ đường tiết niệu (không do cầu thận)

  • Sỏi thận - tiết niệu.
  • U thận hoặc u đường tiết niệu.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: viêm bàng quang cấp, viêm tiền liệt tuyến, viêm bể thận cấp.
  • Thận đa nang.
  • Dị dạng mạch máu thận.
  • Rối loạn đông máu do giảm tiểu cầu nặng hoặc quá liều thuốc chống đông.

3.1.3 Chẩn đoán phân biệt

Đái hemoglobin

Nước tiểu cũng có màu đỏ hoặc sẫm đen nhưng không có hồng cầu. Để lâu hoặc ly tâm không có lắng hồng cầu, không bao giờ có cục máu đông. Xét nghiệm có hemoglobin niệu.

Đái hemoglobin thường gặp trong sốt rét nặng, tan máu cấp tính .

Đái hemoglobin kịch phát về đêm: Nước tiểu ban ngày trong nhưng lấy ban đêm thì có màu đỏ sẫm.

Đái myoglobin

Nước tiểu cũng có màu đỏ nhưng không có hồng cầu cũng không có hemoglobin → gặp trong tiêu cơ vân.

Nước tiểu đỏ do khác

  • Sắc tố từ thức ăn.
  • Lẫn máu hành kinh ở phụ nữ.
  • Do chuyển hóa từ thuốc: Rifampicin…

3.2 Đái mủ

3.2.1 Định nghĩa

Đái mủ là hiện tượng có nhiều mủ (bạch cầu đa nhân trung tính) đến mức có thể quan sát được bằng mắt thường. Nước tiểu màu mủ sánh để lâu lắng cặn mủ dính vào đáy ống nghiệm. Nếu tế bào mủ ít thì nước tiểu có màu đục trắng kèm dây mủ lởn vởn, hạt mủ lấm tấm, ít hơn nữa thì chỉ thấy màu đục.

Đái mủ có thể kèm lẫn máu cho màu chocolate → nhầm lẫn đái máu hoặc đái dưỡng chấp.

3.2.2 Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Đái mủ có thể là hậu quả của quá trình viêm có nhiễm khuẩn thông thường, quá trình viêm không có nhiễm khuẩn hoặc viêm đặc hiệu như lao, nấm và lậu cầu.

Một số nguyên nhân thường gặp:

Viêm niệu đạo

  • Bệnh nhân có thể có kèm triệu chứng tiểu buốt. Có thể quan sát thấy mủ niệu đạo tại chỗ hoặc soi kính hiển vi.

Viêm tiền liệt tuyến

  • Thường gặp ở người nhiều tuổi, có kèm đái buốt, đái dắt hoặc đau vùng quanh hậu môn, vùng trên xương mu.
  • Nếu có đau nhiều, sốt có thể là áp xe tuyến tiền liệt.
  • Nếu có đái khó, đái ngắt quãng, đái nhỏ giọt có thể là phì đại tiền liệt tuyến hoặc ung thư tiền liệt tuyến bị nhiễm khuẩn.

Viêm bàng quang

  • Thường có đái buốt, đái dắt kèm đái mủ.

Thận ứ mủ

  • Thường do tắc nghẽn gây thận ứ nước kèm nhiễm khuẩn ngược dòng hoặc nhiễm khuẩn huyết.

3.2.3 Chẩn đoán phân biệt

  • Đái dưỡng chấp.
  • Đái cặn Calci Phosphat.
  • Đái có chất nhầy mucin.
Mục Lục