Đợi Một Chút..!

Content

Bệnh Viêm Loét Dạ Dày - Tá Tràng

Viêm loét dạ dày - tá tràng là một bệnh mạn tính có tính chất chu kỳ, phổ biến trên toàn cầu. Gây các cơn đau âm ỉ, nóng rát đặc trưng. Tổn thương là những ổ loét ở niêm mạc dạ dày - tá tràng có thể xâm lấn có qua lớp dưới niêm mạc. Bệnh có nhiều nguyên nhân hiệp đồng với nhau gây ra nên việc điều trị cũng khó khăn, cần sự phối hợp tuân thủ điều trị từ phía bệnh nhân.

1. Nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng.

Trước đây người ta cho rằng nguyên nhân gây viêm loét dạ dày - tá tràng là do việc tăng acid dịch vị nhưng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều vì bình thường lượng acid dịch vị trong dạ dày rất cao có độ pH 1-2 nhưng có người bị có người không.

Sau khi thống nhất, đưa đến kết luận chính xác phải là sự “MẤT CÂN BẰNG GIỮA YẾU TỐ TẤN CÔNG VÀ YẾU TỐ BẢO VỆ”.

Yếu tố tấn công

Là yếu tố có khả năng ăn mòn, hủy hoại niêm mạc dạ dày - tá tràng: HCl, Pepsin, vi khuẩn HP, thuốc NSAID,...

Yếu tố bảo vệ

Chất nhầy và NaHCO3, Prostaglandin tạo lớp bao phủ có tính kiềm toàn bộ niêm mạc.

1.1 Tại sao thuốc NSAID gây viêm loét dạ dày - tá tràng.

Như ở học phần thuốc NSAID đã trình bày rõ cơ chế tác động của thuốc nhóm NSAID, kết quả cuối cùng nhận được là thuốc NSAID làm giảm tổng hợp Prostaglandin (yếu tố bảo vệ) đặc biệt đối với nhóm thuốc ức chế không chọn lọc COX.

Ngoài ra do NSAID có tính acid nên chúng có thể gây tổn thương trực tiếp niêm mạc dạ dày. Để hạn chế vấn đề này bệnh nhân cần uống thuốc sau ăn no.

1.2 Tại sao căng thẳng, stress cũng gây viêm loét dạ dày - tá tràng hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh?

Cơ chế tiết acid dịch vị hoạt động chịu sự điều khiển của hệ thần kinh thực vật. Khi căng thẳng, stress hệ giao cảm hoạt động mạnh.

Nếu là stress cấp tính (căng thẳng tạm thời) sẽ gây ức chế dây X làm giảm tiết acid.

Nếu là stress mãn tính kích thích trục HPA làm tăng cortisol tăng nhạy cảm của tế bào viền với kích thích tiết acid.

Như vậy đối với người thường xuyên bị căng thẳng, stress kéo dài  sẽ rất dễ bị viêm loét dạ dày - tá tràng.

Và căng thẳng, stress thường sẽ đi kèm là chế độ ăn uống không điều độ, đúng giờ. Vì vậy, ngày nay bệnh có xu hướng ra tăng ở người trẻ trong độ tuổi lao động.

1.3 Tại sao viêm loét dạ dày - tá tràng có yếu tố gia đình.

Một trong những nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn HP, con đường lây nhiễm của HP có liên quan đến việc ăn uống sinh hoạt trong một gia đình.

Người trong gia đình, ruột thịt sẽ dễ cùng nhóm máu và người có nhóm máu O có tỷ lệ loét dạ dày tá tràng cao hơn các nhóm máu khác 1,4 lần.

Câu hỏi: Tại sao người có nhóm máu O có tỷ lệ bị viêm loét dạ dày cao hơn các nhóm máu khác?
Trả lời: Người nhóm máu O có một loại thụ thể đặc hiệu H antigen mà vi khuẩn HP dễ dàng nhận diện và bám vào, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

1.4 Vi khuẩn HP

Câu hỏi: Với môi trường acid cao như vậy tại sao vi khuẩn HP có thể sống được?
Trả lời: Vi khuẩn HP tiết ra enzym urease phân giải ure có ở niêm mạc tạo ra amoniac, amoniac có tính bazơ sẽ trung hòa acid dịch vị xung quanh nó tạo thành một tiểu không gian bao bọc lấy HP tạo ra môi trường thuận lợi cho HP sinh sống được.

HP có lông roi để di chuyển qua lớp nhầy bám chặt vào tế bào biểu mô gây ra phản ứng viêm, làm giảm sản xuất mucin, lớp niêm mạc bị mỏng hơn dễ bị acid tấn công hơn.

HP còn tiết độc tố CagA gây rối loạn chức năng tế bào dạ dày tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Độc tố VacA làm giảm tiết NaHCO3 giảm yếu tố bảo vệ.

Kích thích tế bào G tiết Gastrin, làm tăng tiết HCl tăng yếu tố tấn công.

1.5 Yếu tố ăn uống.

Tiết acid có tính chu kỳ trong ngày theo nhịp bữa ăn và thành thói quen, đến gần khung giờ bữa ăn thường ngày sẽ tiết ra nhiều hơn.

Nếu ăn uống không đúng giờ hoặc bỏ bữa sẽ làm cho lượng acid được tiết ra đó không thực hiện đúng vai trò của mình trở nên dư thừa acid.

Ăn uống các chất kích thích như uống rượu bia, ăn đồ cay nóng cũng sẽ kích thích làm tăng tiết acid nhiều hơn.

2. Triệu chứng của viêm loét dạ dày - tá tràng.

2.1 Thể điển hình

Đau bụng vùng thượng vị

  • Đau âm ỉ, nóng rát hoặc đau quặn.
  • Đau có tính chu kỳ trong ngày, trong năm có liên quan đến bữa ăn. Đau khi đói ăn vào đỡ đau (loét tá tràng), đau sau ăn (loét dạ dày). Đợt đau kéo dài vài tuần rồi hết, vài tháng hoặc cả năm sau mới xuất hiện lại đợt đau mới. Càng về sau tính chu kỳ này càng mất dần, các cơn đau tăng lên và liên tục.
Câu hỏi: Tại sao loét dạ dày lại đau sau ăn còn loét tá tràng lại đau khi đói?
Trả lời: Theo cơ chế hoạt động, khi đói lỗ môn vị sẽ mở, acid dịch vị từ dạ dày sẽ chảy xuống tá tràng nên gây đau. Khi có thức ăn ở dạ dày, lỗ môn vị sẽ đóng để dạ dày co bóp nhào trộn thức ăn với các dịch tiết nên nếu là loét tá tràng thì sau khi ăn sẽ đỡ đau hơn.
Loét dạ dày sẽ đau sau khi ăn vì sau khi ăn dạ dày sẽ tăng tiết acid nhiều hơn. Và dạ dày cũng sẽ phải tăng co bóp hoạt động mạnh hơn.

Ở hơi, đầy bụng, ợ hơi, ợ chua.

Có thể kèm buồn nôn/nôn. (Chú ý: nếu nôn có máu cần kiểm tra ngay vì có thể là biến chứng xuất huyết tiêu hoá).

2.2 Thể không điển hình

Tỷ lệ chiếm khoảng 20% thường gặp ở trẻ, người già, người suy kiệt.

Các triệu chứng không rõ ràng, tiến triển thầm lặng. Biểu hiện đột ngột bởi một biến chứng (xuất huyết tiêu hoá, thủng ổ loét,..).

3. Điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng.

Điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng được chia theo các phác đồ khác nhau dựa theo nguyên nhân gây bệnh.

3.1 Điều trị viêm loét dạ dày có HP

Mục này, admin sẽ không liệt kê các phác đồ vì 2 lý do:

  • Có phác đồ hướng dẫn sẵn của Bộ Y Tế.
  • Xét nghiệm HP dương tính là điều kiện bắt buộc trước khi bắt đầu điều trị, vì 1 đơn thuốc cũng có 5-7 loại thuốc bắt buộc và thời gian điều trị kéo dài khoảng 1 tháng. Nên dược sĩ nhà thuốc không nên tự ý kê và bán dựa theo kinh nghiệm.
Câu hỏi: Men vi sinh có lợi ích gì trong phác đồ điều trị HP dạ dày?
Trả lời: Men vi sinh không phải thuốc bắt buộc trong phác đồ điều trị HP. Mục đích được kê nhằm ức chế sự phát triển của vi khuẩn HP do tiết ra Bacteriocin và acid lactic, ngoài ra còn giảm tác dụng phụ do phải dùng kháng sinh kéo dài dễ dẫn đến nguy cơ gặp các bệnh đường tiêu hoá khác.

3.2 Điều trị viêm loét dạ dày không có HP.

Thuốc ức chế tiết acid dạ dày + Antacid là 2 thuốc chính trong điều trị.

Tùy theo bệnh nhân có thêm triệu chứng khác có thể thêm thuốc như giảm đau co thắt, chống nôn, simethicon (giảm đầy hơi)...

Câu hỏi: Tại sao ngay cả khi không có HP thì một số đơn thuốc vẫn có kê kèm kháng sinh.
Trả lời: Môi trường acid cao ở dạ dày chính là hàng rào bảo vệ ngăn chặn vi sinh xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hoá. Việc sử dụng các thuốc giảm tiết acid, antacid sẽ làm nâng pH lên, tạo cơ hội cho vi sinh vật gây hại có thể sống ở dạ dày. Chính vì vậy việc kê kháng sinh ở đây không phải lạm dụng mà mang tính chất ngăn ngừa khả năng nhiễm khuẩn có thể xảy ra.

3.3 Vai trò của thực phẩm chức năng trong điều trị dạ dày - tá tràng

TPCN giúp tăng doanh số cho nhà thuốc nhưng thường được gắn với mác là “Ranh giới giữa lương tháng và lương tâm”. Tuy nhiên cần có một cái nhìn khách quan hơn.

Trong đông y có một nguyên tắc điều trị “Hư thì bổ, thực thì tả” có nghĩa là với những chứng bệnh cấp tính thì ưu tiên lựa chọn các dược liệu mạnh, tác dụng nhanh, còn bệnh có tính mạn thì bồi bổ duy trì hàng ngày.

Viêm loét dạ dày - tá tràng là một bệnh mạn tính, bên cạnh các biểu hiện cấp như đau, nóng rát…thì việc sử dụng các thực phẩm chức năng từ dược liệu sẽ có lợi ích cho bệnh nhân.

Trong hầu hết các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ cho viêm loét dạ dày - tá tràng đều sẽ có thành phần của nghệ. Nghệ có khả năng làm liền vết loét rất tốt (sẽ được nói kỹ ở học phần thực phẩm chức năng). Ngoài ra quá trình điều trị với thuốc tây cũng cần một khoảng thời gian khá dài mới cho hiệu quả.

Do vậy vai trò của thực phẩm chức năng đối với bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng là rất quan trọng. Cần hiểu rõ và tư vấn cho bệnh nhân.

4. Biến chứng của viêm loét dạ dày - tá tràng

4.1 Xuất huyết tiêu hóa

  • Xảy ra khi vết loét ăn sâu vào mạch máu.
  • Biểu hiện nôn ra máu, đi ngoài phân đen.
  • Mất máu: Nhẹ thì hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi. Nặng thì gây sốc nguy hiểm đến tính mạng
Lưu ý: Phân biệt nôn ra máu do xuất huyết tiêu hóa với các bệnh khác.
  • Máu do xuất huyết tiêu hóa có màu đỏ tươi nếu chảy nhiều và nhanh và có màu nâu sẫm, đen nếu lưu trữ lâu ở dạ dày. Có lẫn thức ăn và dịch tiêu hóa có mùi hôi tanh.
  • Máu do bệnh lý khác (Phổi) có màu đỏ tươi lẫn bọt trắng, (Tim) có màu đỏ sẫm thường chỉ có máu không mà không kèm dịch tiêu hóa. Ngoài ra cần khai thác thêm các bệnh mắc kèm để chính xác hơn.

4.2 Thủng dạ dày - tá tràng.

  • Vết loét ăn thủng dạ dày - tá tràng làm dịch tiêu hóa tràn vào ổ bụng gây viêm phúc mạc.
  • Cơn đau dữ dội, bụng sờ cứng như gỗ, nôn mửa sốt cao.
  • Đây là biến chứng nghiêm trọng chỉ định cấp cứu ngoại khoa bắt buộc nếu không bệnh nhân có thể tử vong trong 1-2 giờ. Do dịch tiêu hóa thoát ra mang theo rất nhiều loại vi khuẩn gây viêm toàn ổ bụng - hoại tử.

4.3 Hẹp môn vị

  • Môn vị là vùng nối giữa dạ dày với tá tràng có chức năng đóng mở theo nhu động để chuyển thức ăn qua.
  • Vết loét lâu ngày hình thành các sẹo xơ làm hẹp môn vị cản trở thức ăn chuyển từ dạ dày xuống tá tràng.
  • Ăn nhanh no, đầy bụng, nôn ra thức ăn cũ.
  • Cần thiết can thiệp ngoại khoa phẫu thuật mở rộng môn vị.

4.4 Ung thư dạ dày.

  • Do loét dạ dày kéo dài đặc biệt ở người nhiễm HP do tiết ra các độc tố.
  • Sút cân không rõ nguyên nhân, đau bụng kéo dài, nôn ra máu.
  • Điều trị ngoại khoa cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày.
Mở rộng: Dạ dày được chia thành từng phần nhỏ khác nhau (Giải phẫu) tuy nhiên nếu vết loét hình thành ở bờ cong bé sẽ có nguy cơ tiến triển thành ung thư cao nhất. Do hệ thống mạch máu ít hơn so với các vị trí khác làm giảm khả năng tái tạo và hồi phục do thiếu nguyên vật liệu sửa chữa, khiến vết loét kéo dài dễ bị dị sản ruột (Các tế bào dạ dày bị thay thế bởi tế bào gần giống niêm mạc ruột) dẫn đến ác tính hóa. Vì vậy nếu bệnh nhân có kết quả khám là viêm loét tại bờ cong bé cần khuyên bệnh nhân điều trị thật kiên trì và kiểm tra thường xuyên.

 

Mục Lục