Đợi Một Chút..!

Content

Bệnh Viêm Amidan

Viêm Amidan là viêm cấp tính của tuyến hạnh nhân miệng. Thường gặp ở trẻ em trên 7 tuổi và người lớn.

1.Nguyên nhân gây viêm Amidan

Viêm Amidan đến từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do Virus nhưng nguy hiểm nhất nếu là do vi khuẩn.

Virus (60-70%)

  • Adenovirus: Gây viêm - đau họng, sốt, ho.
  • Virus cúm: Sốt cao, đau họng, người mệt mỏi.
  • EBV: gây bệnh tăng bạch cầu đơn nhâ.

Vi khuẩn (20-30%)

  • Liên cầu nhóm A: Nguy hiểm nhất vì gây ra nhiều biến chứng như viêm cầu thận cấp, thấp khớp cấp, thấp tim nếu không điều trị đúng cách.
  • Tụ cầu vàng: Gây viêm Amidan mạn tính.
  • Haemofilus influenzae: gây viêm amidan ở trẻ nhỏ biến chứng viêm nắp thanh quản.

Các yếu tố từ môi trường

  • Ô nhiễm không khí, khói độc: Làm tổn thương niêm mạc họng, điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào tổ chức.
  • Dị ứng: Tăng yếu tố kích thích gây viêm mạn tính.

Hệ miễn dịch suy giảm

Trẻ em dưới 6 tuổi, người già, người mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch cơ thể không đủ sức chống lại vi khuẩn, virus gây bệnh.

Do tác động của bệnh khác

GERD: Acid dạ dày làm kích thích amidan.

Viêm xoang, viêm mũi dị ứng: Dịch mủ chảy xuống họng gây viêm Amidan kéo dài.

Sỏi Amidan: Viêm amidan mạn tính.

2. Triệu chứng của viêm Amidan

Viêm Amidan cấp

Triệu chứng của viêm Amidan sẽ có sự khác nhau do nguyên nhân gây bệnh

Do virus

  • Họng khô rát, đau cảm giác khát nước.
  • Niêm mạc họng đỏ nhẹ toàn bộ không xuất tiết không có bựa trên các hốc Amidan.
  • Hạch góc hàm không bị sưng to.
  • Sổ mũi, khàn tiếng.

Do vi khuẩn

  • Sốt cao đột ngột, đau họng nhiều có khi đau xuyên lên tai. Nuốt đau nên gây chán ăn.
  • Toàn thân mệt mỏi, nhức đầu.
  • Trẻ em có thể gặp rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn.
  • Hạch góc hàm hai bên sưng to và đau.
  • Điểm đặc trưng nhất là có màng giả màu trắng xám dính chặt vào mô ở dưới nên rất dễ chảy máu, nếu bóc ra sẽ hình thành trở lại.

Viêm Amidan mạn

Do ứ đọng các chất vụn bong tróc biểu mô, lympho bào và vi sinh vật trong các hốc biến thành chất thối rữa màu trắng ngà hoặc vàng giống bã đậu.

  • Cảm giác khó chịu, rát họng, khó nuốt, đau có thể xuyên lên tai.
  • Hơi thở hôi.
  • Trụ trước Amidan thường đỏ, trụ sau có khi dày phồng.
  • Các hốc Amidan khi ấn vào có chất bã đậu thòi ra thể rắn giống đá phấn.

3. Điều trị viêm Amidan

  • Điều trị triệu chứng nâng cao thể trạng vẫn là ưu tiên đầu tay vì 60-70% nguyên nhân là do Virus.
  • Sử dụng kháng sinh cần hết sức lưu ý và tuân thủ đúng nguyên tắc sử dụng kháng sinh vì những biến chứng có thể xảy ra được trình bày bên dưới.
  • Khi viêm Amidan tái phát nhiều lần có biến chứng phì đại ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của bệnh nhân cân nhắc việc cắt bỏ Amidan.

4. Biến chứng của viêm amidan

Biến chứng tại chỗ

Viêm tấy quanh Amidan

  • Ổ viêm mưng mủ nhanh. Người bệnh có triệu chứng viêm họng sau một đợt ngắn và giảm nhẹ rồi cơn đau lại bùng lên dữ dội ở một bên, đau xuyên lên tai.
  • Nhiệt độ tăng cao, người mệt mỏi, mất ngủ.
  • Hạch dưới góc hàm có hiện tượng đóng bánh, sưng to, người bệnh há miệng khó khăn.
  • Ổ mủ cần được trích rạch dẫn lưu mủ. Nên cắt Amidan để tánh tái phát có thể dẫn tới ổ viêm tấy quanh họng và biến chứng toàn thân nguy hiểm.

Viêm tấy hạch bên họng

  • Hạch bị viêm tấy thuộc chuỗi hạch cảnh với 3 triệu chứng chính:
  • Vẹo cổ, không quay đầu được, đầu phải nghiêng hẳn về phía bên đau.
  • Cổ sưng đội cơ ức đòn chũm lên.
  • Thành bên họng sưng phồng làm eo họng mất cân xứng.
  • Sau 7-8 ngày mủ vỡ ra ngoài nếu không được dẫn lưu, mủ chảy dọc các mạch máu lớn, làm loét vỡ động mạch cảnh trong, động mạch họng lên, làm tắc tĩnh mạch cảnh và có thể lan xuống phía dưới cổ và trung thất.

Viêm mô - tế bào lan tỏa ở cổ

  • Bệnh cảnh trầm trọng tiến triển nhanh, cổ sưng to toàn bộ. Nhiệt độ thất thường hoặc hạ thấp, mạch nhỏ không đều huyết áp thấp. Người bệnh khó thở do khí quản bị chèn ép, nhiễm độc, suy tim, biến chứng phổi và trung thất.
  • Cần phải điều trị cấp cứu hồi sức tích cực vì có thể tử vong trong 24-48h.

Biến chứng toàn thể

Viêm cầu thận cấp

Nguyên nhân là do liên cầu tan huyết Beta nhóm A có một số kháng nguyên có cấu trúc tương tự của cơ thể. Dẫn đến cơ thể sinh ra kháng thể nhận nhầm cấu trúc ở thận, dẫn đến tổn thương. Đặc biệt phức hợp kháng nguyên - kháng thể lắng đọng ở màng đáy cầu thận kích hoạt bổ thể và các tế bào viêm gây tổn thương màng lọc cầu thận. Các tế bào viêm được huy động đến cầu thận, làm tổn thương thêm lớp nội mô và màng đáy.

Câu hỏi: Tại sao điều trị viêm amidan hay viêm họng không đúng cách lại dẫn đến viêm cầu thận cấp?
 Trả lời:
  • Lựa chọn kháng sinh không đúng (Loại có phổ rộng nhưng không tác động được với liên cầu). Làm cho những vi khuẩn đang cạnh tranh sinh sống với liên cầu bị tiêu diệt hết tạo điều kiện cho liên cầu bùng phát. (Xem lại học phần kháng sinh mục tổng quan về vi khuẩn)
  • Liều dùng kháng sinh thấp, thời gian điều trị kháng sinh không đủ làm liên cầu không bị tiêu diệt hoàn toàn mà chỉ làm giảm tốc độ phát triển của chúng, những vi khuẩn sống sót sẽ phát triển mạnh hơn hoặc chuyển sang trạng thái tiềm ẩn rồi bùng phát khi có điều kiện thuận lợi.

Cần tuân thủ đúng nguyên tắc sử dụng kháng sinh.

Bệnh thấp khớp cấp

Nguyên nhân cũng giống với viêm cầu thận cấp là do liên cầu tan huyết beta nhóm A.

Biểu hiện của bệnh

Viêm khớp di chuyển: Khớp đầy đủ triệu chứng của viêm bao gồm sưng - nóng - đỏ - đau chủ yếu ở khớp lớn (gối, khuỷu tay, cổ chân). Viêm di chuyển qua các khớp, mỗi khớp thường đau trong vài ngày rồi hết.

Câu hỏi: Tại sao người ta có câu khớp đớp tim?
Trả lời: Viêm khớp không trực tiếp gây ra viêm tim mà do chúng đều chịu chung nguyên nhân là do phản ứng miễn dịch kháng nguyên - kháng thể của liên cầu.
Cả khớp và tim đều chứa Collagen type II, là một loại Protein có thể bị kháng thể nhầm lẫn với kháng nguyên của vi khuẩn mà tấn công. Viêm khớp thường xảy ra trước, cơ thể giải phóng ra Cytokine tiền viêm vào máu lan đến tim đặc biệt là van hai lá và van động mạch chủ. Viêm khớp thường hồi phục được hoàn toàn còn viêm tim có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho van tim. Vậy nên dân gian mới có câu là khớp đớp tim là do chúng đều có cùng nguyên nhân nhưng viêm khớp xảy ra trước và hồi phục được còn viêm tim xảy ra sau và tổn thương vĩnh viễn.

 

Mục Lục