Đợi Một Chút..!

Content

Bệnh Viêm Xoang

Xoang là những hốc rỗng bên trong xương sọ được lót bởi một lớp niêm mạc tiết chất nhầy, có vai trò là lầm ẩm không khí, ngăn bụi, vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp. Được chia ra làm 4 nhóm xoang chính: Xoang hàm, Xoang trán, Xoang sàng, Xoang bướm. Viêm xoang có thể là viêm một xoang hoặc viêm nhiều xoang. Viêm xoang cấp tính hoặc mãn tính và bệnh rất phổ biến tại Việt Nam.

1.Viêm xoang cấp tính

1.1 Nguyên nhân gây viêm xoang cấp tính

Viêm xoang thường đến từ biến chứng của những bệnh lý đường hô hấp khác, phổ biến nhất là viêm mũi, cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng. Với nguyên nhân ban đầu là do dị ứng, virus, vi khuẩn.

Đối với xoang hàm thì có khoảng 10% nguyên nhân là từ vấn đề răng miệng như apxe quanh ổ răng, apxe dây chằng ổ răng.

Ngoài ra còn đến từ tổn thương cơ học do chấn thương vùng xoang, mũi, vẹo vách ngăn mũi, polyp mũi xoang.

1.2 Triệu chứng của bệnh viêm xoang cấp

Đặc điểm chung của viêm xoang cấp sẽ có sung huyết, phù nề tại chỗ, thoát dịch và bạch cầu đa nhân.

Có thể là tăng tiết dịch và dịch thoát ra ngoài hoặc viêm mủ tạo mùi hôi khó chịu.

Tuỳ vào vùng xoang bị viêm mà sẽ có thêm các triệu chứng ở những vị trí khác nhau.

Viêm xoang trán

Khởi phát bởi đợt sổ mũi thông thường kéo dài 5-6 ngày sau đó xuất hiện những cơn đau đặc biệt. Cơ đau phía trên ổ mắt tăng dần từ sáng đến trưa, sau đó giảm đến chiều lại tái phát cơn đau đó. Đưa mắt cũng sẽ cảm thấy đau. Ấn vào hốc mắt ở góc trên thấy đau nhói. Mũi chảy nhiều mủ.

Viêm xoang hàm

Bắt đầu như sổ mũi thông thường nhưng kéo dài. Cơn đau xuất hiện ở vùng dưới ổ mắt, đau xuyên về phía hàm răng. Đau tăng lên khi nhai, nằm.

Có điểm đau rõ dưới ổ mắt, hốc mũi sung huyết, sau khi làm co niêm mạc thấy mủ mũi chảy.

Nếu viêm xoang hàm có nguyên nhân từ răng miệng thì sẽ kèm sâu răng hoặc ổ áp xe quanh chân răng. Đau nhức răng dữ dội, quanh chân răng sưng. Mủ thối chảy vào trong xoang. Với nguyên nhân này nhổ bỏ răng sâu sẽ giúp bệnh nhanh khỏi.

Viêm xoang sàng

Thường xảy ra ở trẻ em 2-4 tuổi. Vì vị trí kề sát ổ mắt nên đau chủ yếu ở vùng mắt.Mí mắt trên và dưới phù nề, sưng húp, đỏ không mở được mắt. Không có dấu hiệu tổn thương hay bệnh lý ở mắt. Mí mắt mọng đỏ là dấu hiệu đặc trưng của viêm xoang cấp ở trẻ em.

2. Viêm xoang mạn tính

2.1 Nguyên nhân gây viêm xoang mạn tính

Viêm xoang mạn tính liên quan đến sự biến đổi không hồi phục của niêm mạc.

Nguyên nhân tương tự như của viêm xoang cấp nhưng có sự biến đổi không hồi phục của niêm mạc.

Niêm mạc có thể dày lên, quá sản biến thành các polyp hoặc xơ hoá và teo.

Dịch tiết trong xoang quánh hơn, tế bào lông bị hạn chế, chậm hơn hoặc ngừng lại dẫn đến việc đào thải các chất như vi khuẩn, virus, dị nguyên bị giảm sút tạo điều kiện bội nhiễm. Lỗ thông xoang bị tắc nhiều hơn so với viêm xoang cấp.

2.2 Triệu chứng của viêm xoang mạn

Các triệu chứng trong viêm xoang mạn cũng giống như viêm xoang cấp nhưng sẽ không đau dữ dội như cấp mà đau âm ỉ cả vùng mặt.

Viêm xoang mạn thường sẽ kết hợp nhiều vùng từ xoang trán, xoang hàm, xoang sàng, xoang bướm nên không tìm thấy điểm đau cụ thể như của viêm xoang cấp.

3. Điều trị viêm xoang

Đầu tiên cần nhận định viêm xoang rất khó để điều trị ngay cả với các bác sĩ nhiều kinh nghiệm. Sau một đợt dùng thuốc, bệnh đỡ nhưng lại tái phát và khó điều trị hơn.

Câu hỏi: Nguyên nhân nào dẫn đến viêm xoang gặp khó khăn trong điều trị?
Trả lời: Viêm xoang khó điều trị là do:
  • Nguyên nhân gây bệnh đa dạng, không xác định rõ nguyên nhân trước mà tự ý lạm dụng nhiều thuốc đặc biệt là kháng sinh và Corticoid. Làm bệnh càng trở nên nặng hơn và có thể thành mãn tính.
  • Cũng giống với viêm mũi dị ứng, viêm xoang cũng dễ khởi phát trên những người có cơ địa dễ nhạy cảm với các nhân kích thích, bệnh dễ tái phát.
  • Xoang là một tổ chức rỗng có lưu lượng máu và oxy dồi dào, nhưng khi bị viêm sẽ tăng thoát dịch gây phù nề, chèn ép mạch máu. Dịch ứ đọng trở nên quánh cùng với xác bạch cầu, vi sinh vật, bội nhiễm. Và như đã học ở học phần kháng sinh, thuốc muốn phát huy tác dụng thì phải thấm được vào và đạt nồng độ tại vị trí nhiễm khuẩn. Với lượng mủ nhiều như vậy, chỉ điều trị nội khoa với kháng sinh sẽ rất khó thành công.

Điều trị nội khoa với phác đồ điều trị triệu chứng nâng cao thể trạng kết hợp xịt rửa mũi thường xuyên.

Hiện nay với điều trị xoang thường sẽ kết hợp giữa cả Đông - Tây y, vì ưu điểm của đông y lại là nhược điểm của tây y và ngược lại.

Nguyên tắc điều trị quyết định thành công hay không nằm ở việc có kéo được dịch ở trong xoang ra và giảm bớt sưng viêm, nề trong các niêm mạc xoang.

Một phác đồ điều trị hiện nay được áp dụng phổ biến.

  • Thuốc tiêu nhầy: Nhằm mục đích cho nhầy bớt quánh, dễ đào thải ra ngoài.
  • Thuốc giảm sưng, phù nề.
  • Thuốc giảm độ nhạy cảm với kích ứng (nên ưu tiên chọn kháng H1 thế hệ 2 vì hạn chế tác dụng phụ là giảm tiết dịch, giúp dịch nhầy không bị quánh hơn).
  • Kháng sinh phù hợp.
  • Xịt rửa mũi xoang với nước muối sinh lý. Kết hợp với xịt thảo dược (Hoa ngũ sắc). Xịt corticoid hạn chế sử dụng nếu chưa cần thiết.
  • Giảm đau.
  • Nâng cao sức đề kháng cho bệnh nhân.
Câu hỏi: Lựa chọn kháng sinh nào cho điều trị viêm xoang?
Trả lời: Kháng sinh chỉ có tác dụng với nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn do vậy để thành công trong điều trị, cần xác định được chủng vi khuẩn gây bệnh là gì. Tuy nhiên đó là điều không thực tế trên lâm sàng (Tham khảo lại học phần kháng sinh) và vẫn điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm.
Điểm lưu ý ở đây là gì? Bình thường xoang rất giàu oxy cho nên vi khuẩn dễ phát triển là các vi khuẩn hiếu khí và thường gây các bệnh về đường hô hấp như Phế cầu, Tụ cầu vàng, Haemophilus influenzae. Tuy nhiên, khi bị viêm, kèm với dịch nhầy quánh xác bạch cầu, vi khuẩn tạo ra môi trường cho vi khuẩn kỵ khí phát triển. Đó cũng là lý do tại sao dịch từ xoang có mùi hôi thối. Do vậy việc lựa chọn kháng sinh không được bỏ qua nguyên nhân là các vi khuẩn kỵ khí đặc biệt là trực khuẩn mủ xanh.

4. Biến chứng của bệnh viêm xoang là gì?

4.1 Biến chứng tại mắt

  • Viêm mô tế bào quanh hốc mắt.
  • Áp xe mí mắt, hốc mắt.
  • Viêm dây thần kinh thị giác.

Các biến chứng tại mắt có thể gây giảm thị lực và mất thị lực vĩnh viễn. Do xoang gần hốc mắt nên viêm xoang là nguồn lây nhiễm sang các bộ phận xung quanh.

4.2 Biến chứng tại não.

  • Viêm màng não: Gây đau đầu dữ dội, sốt cao, co giật, cứng gáy.
  • Áp xe não: Mủ tích tụ trong não gây hôn mê, co giật nguy cơ tử vong cao.
  • Viêm tắc tĩnh mạch xoang hang: Gây cản trở lưu thông máu não có thể tử vong nhanh chóng với triệu chứng sưng mặt, lồi mắt.

4.3 Biến chứng các bộ phận khác có chung khoang hô hấp

  • Viêm tai giữa, viêm vòi nhĩ: Do vi khuẩn từ xoang lan đến tai.
  • Viêm họng viêm Amidan, viêm phế quản, viêm phổi: Vi khuẩn lan xuống đường hô hấp dưới.

 

Mục Lục