Đợi Một Chút..!

Content

Bệnh Trào Ngược Dạ Dày

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng dịch vị dạ dày bao gồm acid, pepsin, dịch mật bị đẩy ngược lên thực quản gây kích thích niêm mạc thực quản dẫn đến triệu chứng khó chịu, nhầm lẫn với những bệnh khác và biến chứng nguy hiểm.

1. Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản

Giải phẫu tiêu hóa: Nhu động của thực quản đảm bảo thức ăn đi 1 chiều xuống dạ dày dù cơ thể nằm hay lộn ngược. Ở vị trí nối với dạ dày có cơ thắt tâm vị có chức năng ngăn không cho thức ăn và dịch không bị trào ngược lên.

Bản chất có nút thắt này là các cơ trơn được xếp vòng lên nhau. Lớp cơ này giống như một cái nắp giả để đóng mở linh hoạt theo sự co giãn của cơ.

Nếu cơ thắt tâm vị này không được đóng hoàn toàn sẽ làm cho dịch ở dạ dày trào ngược lên thực quản.

Như vậy nguyên nhân gây trào ngược dạ dày được liệt kê sau đây:

  • Suy yếu cơ thắt tâm vị: Lớp cơ này có thể do sau một thời gian chịu áp lực lớn dẫn đến không còn co thắt đóng kín như ban đầu được. Làm dịch ở dạ dày bị trào ngược lên.
  • Tăng tiết acid dạ dày: Do ăn uống, stress, sử dụng chất kích thích…
  • Béo phì, áp lực ổ bụng cao: Thai kỳ.
  • Thói quen ăn uống, sinh hoạt: Ăn khuya, ăn quá no, uống đồ uống có gas, nằm ngay sau khi ăn.

2. Triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Triệu chứng tại dạ dày

  • Đau và khó chịu vùng thượng vị.
  • Đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn/nôn.

Triệu chứng tại thực quản

  • Đau, nóng rát vùng sau xương ức đến cổ họng.
  • Khó nuốt, cảm giác vướng nghẹn ở cổ họng.
  • Ho khan, viêm họng mạn tính là tác hại của acid kích thích vùng họng.
  • Ợ nóng, ợ chua.
  • Hôi miệng do hơi từ dạ dày thoát ra qua khe hở cơ thắt tâm vị.
Lưu ý: Ho khan là một triệu chứng bệnh có nguyên nhân đến từ đường hô hấp, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, tác dụng phụ của thuốc huyết áp ACEI. Cần khai thác tiền sử bệnh của bệnh nhân trước khi đưa ra phác đồ điều trị.

3. Biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

  • Viêm thực quản: Acid HCl trào ngược lên gây tổn thương niêm mạc thực quản gây loét, chảy máu.
  • Hẹp thực quản: Viêm mãn tính dẫn đến sẹo xơ.
  • Barrett thực quản: Do viêm kéo dài các tế bào thực quản bình thường bị thay thế bởi các tế bào trụ giống niêm mạc ruột, gọi là dị sản ruột. Đây là dạng tiền ung thư, làm tăng nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tuyến thực quản.
  • Viêm thanh quản, viêm họng, viêm xoang mạn tính do acid kích thích niêm mạc hô hấp.

4. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Điều trị bằng thuốc

  • Thuốc giảm tiết acid: PPI, thuốc kháng H2.
  • Thuốc trung hòa acid: Ưu tiên dạng gel có khả năng tạo lớp bè bao phủ bề mặt dạ dày ngăn không cho dịch trào ngược lên như Gaviscon, Marial.
  • Thuốc điều hòa nhu động dạ dày: Domperidon, Metoclopramid.

Điều trị ngoại khoa

Với trường hợp nặng, không đáp ứng với thuốc tiến hành phẫu thuật.

  • Phẫu thuật Nissen fundoplication: Tạo van chống trào ngược bằng cách quấn đáy dạ dày quanh thực quản.
  • Nội soi: Thắt cơ vòng thực quản bằng sóng radio hoặc tiêm chất làm dày mô thực quản.

Điều trị bổ trợ

  • Giảm cân, không mặc đồ bó sát bụng.
  • Sử dụng gối ngủ chuyên dụng cho người bị trào ngược dạ dày thực quản.
  • Giảm căng thẳng, stress, thức khuya.
  • Không nên ăn quá no và nằm ngay sau khi ăn.
  • Khi ngủ nên nằm nghiêng bên trái sẽ giảm bớt áp lực lên cơ vòng dạ dày - thực quản.
  • Cũng giống với viêm loét dạ dày - tá tràng thì thực phẩm chức năng cũng sẽ có nhiều lợi ích cho bệnh nhân vì thời gian điều trị kéo dài.
Lưu ý: Với trào ngược dạ dày thực quản khi ngủ nên nằm cao đầu làm nhiều người hiểu nhầm là kê cao gối khi ngủ, điều đó là sai lầm không mang lại hiệu quả. Có gối ngủ chuyên dụng cho người trào ngược dạ dày thực quản, còn nếu tự kê cao gối khi ngủ có thể làm nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ.
Mục Lục