Đợi Một Chút..!

Content

Hệ Nội Tiết

Hệ nội tiết tiết ra các Hormon để kiểm soát cơ thể. Các Hormon không có ống dẫn đến cơ quan đích mà được đổ thẳng vào mao mạch hoặc hệ tuần hoàn nên được gọi là nội tiết.

Để học được học phần này tốt nhất là nên vẽ sơ đồ.

YẾU TỐ KÍCH THÍCH A → VÙNG B → TIẾT HORMON X → TÁC ĐỘNG LÊN VÙNG B → TIẾT HORMON Y → GÂY ĐÁP ỨNG ĐẾN CƠ QUAN C.

Các hormon trong cơ thể hoạt động theo cơ chế tác động qua lại lẫn nhau. Khi cái này năng sẽ có một cơ chế feedback âm để thông báo ngưng tiết và ngược lại. Chính vì vậy có thể xem hệ nội tiết nói chung là “Cái cân của cơ thể” khi tìm mọi cách để đưa cơ thể về trạng thái cân bằng.

1.Tuyến Yên

Là tuyến tiết ra các loại hormon mà đích đến của nó là các cơ quan và các tuyến nội tiết khác. Gồm 2 phần chính là thùy sau tuyến yên (Thùy thần kinh) và thùy trước tuyến yên

1.1 Thùy sau tuyến yên

Tiết ra 2 loại Hormon là Hormon chống bài niệu (ADH) và Oxytocin, được dự trữ và phóng thích khi có kích thích bởi xung thần kinh từ vùng hạ đồi.

Hormon chống bài niệu ADH

Làm tăng tái hấp thu nước ở ống thận quay lại vào máu. Do vậy làm giảm lượng nước tiểu, thể tích máu tăng, duy trì huyết áp bình thường.

Mất nước là một yếu tố kích thích làm tăng tiết ADH.

Ví dụ: Khi đổ mồ nhiều, tiêu chảy sẽ bị mất nước, các thụ thể áp suất thẩm thấu của vùng hạ đồi sẽ nhận ra sự tăng nồng độ của dịch cơ thể. Vùng hạ đồi sẽ truyền xung đến thùy sau tuyến yên tăng tiết ADH để tăng tái hấp thu nước.

Ngoài ra ADH tăng nhiều sẽ gây co mạch, đặc biệt là các động mạch nhỏ nhờ đó giúp tăng/duy trì huyết áp do bị giảm thể tích tuần hoàn. Vì vậy ADH còn có tên khác là Vasopressin.

Câu hỏi: Tại sao uống rượu bia lại cảm thấy khát sau đó?
Trả lời: Rượu bia gây ức chế việc tiết ADH dẫn đến tăng lượng nước tiểu bài xuất và mất kèm theo điện giải. Nếu dùng quá nhiều rượu bia mà không bù dịch, người uống sẽ cảm thấy khát nhiều vào ngày sau đó kèm theo đau đầu. Đau đầu này có thể giảm bằng cách uống bù Oresol, Paracetamol giảm đau trong trường hợp này không nên dùng.

Oxytocin

Còn được gọi là Hormon tình yêu.

Vai trò:

  • Gắn kết xã hội: Tăng cường sự tin tưởng, gắn kết mọi người.
  • Hỗ trợ sinh sản: Kích thích co bóp tử cung trong quá trình chuyển dạ.
  • Giúp bà tiết sữa mẹ.
  • Giảm căng thẳng và lo âu do làm tăng nồng độ Cortisol.
  • Tăng cảm giác hạnh phúc trong tình yêu và quan hê tình dục.

Điều hòa bởi vùng dưới đồi.

1.2 Thùy trước tuyến yên

Được điều hòa bởi hormon vùng hạ đồi.

Hormon tăng trưởng GH

Là Hormon giúp kích thích tăng trưởng của xương, cơ bắp và các mô khác nên nó có tên là Hormon tăng trưởng.

  • Xương: Giúp xương và sụn phát triển. GH không tác động trực tiếp lên xương mà thông qua IGF-1 thúc đẩy sự phát triển của sụn và tạo xương mới. Tăng cường hấp thu Calci, Phospho và các khoáng chất giúp tăng mật độ xương.
  • Cơ bắp: Thúc đẩy tổng hợp Protein tăng cường sức mạnh cơ bắp. Protein được tổng hợp từ các Amino Acid. Amino Acid không thể dự trữ trong cơ thể mà khi nó dư thừa sẽ được chuyển sang Carbohydrate, mỡ hoặc sử dụng ngay lập tức để tạo năng lượng. GH đảm bảo việc Amino Acid được sử dụng để tổng hợp Protein khi cần thiết trước khi bị chuyển thành Carbohydrate
  • Mô: GH kích thích sự phân chia tế bào ở những mô có khả năng phân bào. Chức năng này góp phần vào sự phát triển của cơ thể khi còn nhỏ.

GH được điều hòa bài tiết bởi 2 Hormon vùng hạ đồi là GHRH (làm tăng tiết GH) và GHIH (làm giảm tiết GH).

Câu hỏi: Có nên tự cho con uống bổ sung GH khi thấy con thấp bé hơn các bạn?
Trả lời: Không. Đặc điểm của Hormon đó là chỉ cần với lượng rất nhỏ cũng sẽ gây ra những đáp ứng thay đổi lớn. Vì đa phần nó không tham gia trực tiếp vào các phản ứng trong cơ thể mà gây ra các kích thích, ức chế đến cơ quan đích rồi tiếp tục hàng loạt các phản ứng tiếp theo xảy ra.
Lưu ý: Việc thiếu Hormon GH có thể làm chậm phát triển ở trẻ, tuy nhiên nếu dư thừa GH trẻ em có thể bị bệnh khổng lồ. Do vậy khi con chậm phát triển hơn so với các bạn, có thể thực hiện các biện pháp an toàn khác như bổ sung Calci, đa dạng chế độ ăn, tẩy giun, nâng cao khả năng hấp thu của hệ tiêu hóa. Nếu không cải thiện, nên cho bé đi kiểm tra tổng quan rồi tìm nguyên nhân chứ không nên tự ý mua GH về cho con sử dụng.

Nhóm Hormon tác động đến cơ quan đích để tiếp tục quá trình bài tiết Hormon

  • ACTH: Cơ quan đích là tuyến thượng thận. Kích thích Vỏ Thượng Thận sản xuất Cortisol,
  • TSH: Cơ quan đích là tuyến giám. Kích thích tuyến giáp sản xuất T3, T4.
  • FSH: Cơ quan đích là buồng trứng và tinh hoàn. Kích thích sản xuất Estrogen và sản xuất tinh trùng.
  • LH: Cơ quan đích là buồng trứng và tinh hoàn. Kích thích sản xuất Progesteron và Testosteron.
  • PRL (Prolactin): Có quan đích là vú. Kích thích vú sản xuất sữa sau sinh.

2.Tuyến Giáp

Hormon do tuyến giáp tiết ra có vai trò quan trọng trong việc điều hòa chuyển hóa, phát triển của cơ thể

2.1 Thyroxine (T4) và Triiodothyronine (T3)

T4 là dạng chủ yếu được tuyến giáp tiết ra (80%) nhưng T3 lại là dạng hoạt động hơn và có tác động trực tiếp lên các tế bào. Do vậy T4 cần chuyển hóa thành T3 để có tác dụng sinh học.

T3 và T4 có chức năng giống nhau:

  • Tăng chuyển hóa: Tăng hô hấp tế bào của tất cả các loại thực phẩm (Carbohydrate, mỡ, Amino acid), bằng cách đó tăng tiêu thụ oxy, đốt cháy năng lượng và sản sinh nhiệt.
  • Hỗ trợ tăng trưởng và phát triển đặc biệt là hệ thần kinh và xương.
  • Điều hòa nhịp tim và huyết áp.
  • T3 và T4 không phải là Hormon “sống còn” nhưng nếu không có sẽ ảnh hưởng đáng kể về sự phát triển thể chất và tinh thần.

Quá trình điều hòa T3, T4

Vùng dưới đồi tiết TRH, TRK kích thích tuyến yên tiết TSH, TSH kích thích tuyến giáp tiết T3, T4. Khi T3, T4 cao sẽ có cơ chế feedback âm làm ngưng tiết TRH.

2.2 Calcitonin

Được tiết bởi tế bào C (tế bào cận nang) của tuyến giáp.

Calcitonin phối hợp với Hormon PTH của tuyến cận giáp (là yếu tố chính) trong việc điều chỉnh Calci máu.

Calcitonin ức chế hoạt động của tế bào hủy xương, tăng lắng đọng Calci vào xương nhờ vậy giúp giảm Calci trong máu.

3.Tuyến Cận Giáp

Gồm 4 tuyến nhỏ: Gắn vào phía sau của từng thùy tuyến giáp, mỗi thùy được gắn 2 tuyến cận giáp.

Hormon của tuyến cận giáp là PTH là chất đối kháng với Calcitonin và giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định nồng độ Calci và Phospho trong máu.

Cơ quan đích của PTH là xương, ruột non và thận.

Cơ chế hoạt động của PTH

  • Tác động lên xương: Kích thích tế bào hủy xương làm giải phóng Calci từ xương vào máu.
  • Tác động lên thận: Tăng tái hấp thu Calci, tăng bài tiết Phosphat (ngăn ngừa Calci kết hợp với Phosphate để lắng đọng trong xương hoặc mô mềm. Kích thích sản xuất Calcitriol (dạng hoạt động của Vitamin D).
  • Tác động lên ruột: Tăng hấp thu Calci từ thức ăn nhờ việc tăng sản xuất Calcitriol ở thận.

Yếu tố điều hòa sự bài tiết của PTH là nồng độ Calci trong máu.

4.Tuyến Tụy

Tuyến tụy bao gồm cả nội tiết và ngoại tiết.

Nội tiết tiết Hormon do tiểu đảo tụy (Langerhans) đảm nhiệm. Tế bào alpha sản xuất Glucagon, tế bào Beta sản xuất Insulin.

Ngoại tiết tiết dịch tụy là các enzym tiêu hóa được đổ vào tá tràng qua ống tụy. Phần này sẽ được nói ở học phần “Hệ Tiêu Hóa”.

Glucagon

  • Kích thích gan chuyển Glycogen thành Glucose.
  • Tăng sử dụng mỡ và Amino acid để tạo ra năng lượng.
  • Đây là quá trình tân tạo đường (tạo ra glucose mới).
  • Khi nồng độ Glucose trong máu thấp sẽ tăng tiết Glucagon.

Insulin

Insulin là hormon duy nhất trong cơ thể có vai trò làm giảm đường huyết nhờ các cơ chế của nó. Việc thiếu hụt Insulin hoặc giảm đáp ứng với Insulin là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh đái tháo đường.

  • Giúp tăng lượng Glucose chuyển vào trong tế bào và sử dụng Glucose để tạo năng lượng.
  • Tăng việc chuyển Glucose thành Glycogen ở gan và cơ.
  • Tăng lượng Amino acid và mỡ vào trong tế bào làm tăng các phản ứng tổng hợp.

Đường huyết chính là yếu tố giúp điều hòa quá trình bài tiết Glucagon và Insulin

5.Tuyến Thượng Thận

Thượng thận có nghĩa là phía trên thận và trên mỗi quả thận có 1 tuyến thượng thận nhỏ gắn ở trên. Hormon do tuyến thượng thận tiết ra nằm ở các phần khác nhau và có chức năng khác nhau.

5.1 Tủy thượng thận

Tủy thượng thận tiết ra Epinephrine và Norepinephrine và được gọi chung là catecholamin có tác động lên hệ thần kinh giao cảm.

Norepinephrine được tiết với số lượng ít. Chức năng là co mạch dưới da, tạng và mạch máu ở cơ xương nên làm tăng huyết áp.

Epinephrine được tiết với số lượng lớn.

  • Làm tăng nhịp tim, lực co bóp của tim, kích thích co mạch dưới da, tạng và làm giãn mạch ở cơ xương.
  • Giãn tiểu phế quản, giảm nhu động ruột, kích thích chuyển Glycogen thành Glucose tại gan.
  • Tăng sử dụng mỡ để tạo năng lượng.
  • Tăng tốc độ hô hấp tế bào.

Điều hòa việc bài tiết 2 hormon này là xung thần kinh giao cảm từ vùng hạ đồi trong stress.

5.2 Vỏ thượng thận

Vỏ thượng thận tiết 3 hormon chính có cấu trúc nhân steroid, là hormon có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa, cân bằng nước - điện giải, phản ứng với stress.

Aldosterone

Cái tên quen thuộc trong học phần “Thuốc Huyết Áp” với hệ RAA (Renin - Angiotensin - Aldosteron). Được tiết ra bởi lớp cầu của Vỏ thượng thận.

Vai trò của Aldosteron

Tăng tái hấp thu Na+ và bài tiết K+ ở ống thận. Việc hấp thu Na+ sẽ đào thải H+ trong sự trao đổi Ion. Ion Na+, Cl và HCO3 được trở về máu và kéo theo nước  bằng sự thẩm thấu.

Nhờ quá trình trao đổi ion ở trên mang lại:

  • Duy trì lượng Na+ và K+ trong máu.
  • Duy trì pH máu bình thường.
  • Duy trì thể tích máu và huyết áp.

Điều hòa việc tiết Aldosteron do nồng độ Na+ K+ trong máu, thể tích máu.

Cortisol

Do lớp bó tiết ra. Là một Glucocorticoid nội sinh sẽ có những vai trò đã được nêu ở học phần “Thuốc Corticoid”.

Và tại đây đối với Cortisol là một Corticoid nội sinh cần nhấn mạnh vai trò giúp cơ thể thích nghi với stress.

Điều hòa việc tiết Cortisol do hormon ACTH của thùy trước tuyến yên và ACTH được kích thích tiết bởi CRH của vùng dưới đồi khi cơ thể gặp stress.

Androgen

Do lớp lưới tiết. Hỗ trợ trong việc sản xuất Testosterone và Estrogen.

Mở rộng: Suy tuyến thượng thận là bệnh do làm dụng Corticoid bên ngoài làm cho vỏ thượng thận mất khả năng tiết Cortisol nội sinh (Xem lại kỹ cơ chế này ở học phần “Thuốc Corticoid”) và việc bổ sung Corticoid từ bên ngoài là chỉ định bắt buộc. Hydrocortison là Corticoid có cấu trúc và đáp ứng sinh học giống với Cortisol nhất nên là lựa chọn đầu tay cho điều trị bệnh lý này.

6.Buồng Trứng

Buồng trứng nằm ở khoang chậu (sẽ nói rõ hơn ở bài “Hệ Sinh Dục”) tiết ra Estrogen, Progesteron.

Estrogen

Được tiết bởi nang trứng và được điều hòa bởi FSH từ thùy trước tuyến yên.

Vai trò của Estrogen chính là kiểm soát quá trình trưởng thành của trứng trong nang trứng và kích thích phát triển mạch mạch máu trong nội tâm mạc.

Progesteron

Do Hoàng thể tiết và được điều hòa bởi hormone LH của thùy trước tuyến yên.

Progesterone cần thiết cho quá trình bám của nhau thai giai đoạn sớm trong nội mạc tử cung.

Cả Estrogen và Progesteron đều được tiết bởi nhau thai trong thời kỳ mang thai.

7.Tinh Hoàn

Nằm trong bìu (sẽ nói rõ hơn ở bài “Hệ Sinh Dục”) tiết ra Testosteron.

Testosterone

Được tiết bởi tế bào kẽ của tinh hoàn và được điều hòa bài tiết bởi hormon LH của thùy trước tuyến yên.

Testosterone kiểm soát quá trình trưởng thành tinh trùng trong ống sinh tinh. Ngoài ra, trong giai đoạn dậy thì còn kích thích sự phát triển đặc tính sinh dục thứ phát bao gồm sự phát triển của toàn bộ hệ sinh dục, phát triển mặt và lông, cơ bắp, cốt hóa sụn đầu xương ở xương dài.

Tổng kết lại ta thấy Hormon sẽ có nhiều vai trò, tác động đến nhiều cơ quan và nhiều phản ứng chuyển hóa nên sẽ khó nhớ. Nhưng với mỗi Hormon cần gắn với một key chủ đạo

  • GH: Tăng trưởng (xương và cơ bắp).
  • ACTH: Tuyến thượng thận.
  • FSH, LH: Buồng trứng, Tinh hoàn.
  • Prolactin: Tiết sữa.
  • ADH, Aldosteron: Nước và điện giải.
  • Oxytocin: Co bóp tử cung.
  • TSH, T3, T4: Tuyến giáp.
  • Calcitonin và PTH: Calci máu.
  • Insulin và Glucagon: Đường huyết.
  • Tủy thượng thận: Thần kinh giao cảm.
  • Cortisol: Stress.
  • Androgen, Estrogen, Progesteron, Testosteron: Sinh dục, sinh lý nam - nữ.
Mục Lục