Đợi Một Chút..!

Content

Hệ Xương Khớp

Hệ xương

1.Hệ thống xương của cơ thể

Xương được tạo thành từ 70% vô cơ giúp tạo độ rắn chắc cho xương bao gồm Calci, Phospho (ở dạng muối Calci Phosphat), Mg, kẽm, Flo. 30% hữu cơ giúp xương có độ đàn hồi và dẻo dai bao gồm Collagen, Proteoglycan, Tế bào xương (Tạo cốt bào, Hủy cốt bào, Tế bào xương).

Trẻ sơ sinh có khoảng 270 xương, khi trưởng thành một số xương hợp nhất lại còn 206 xương. Bao gồm:

  • Xương sọ: 22 xương gồm 8 xương hộp sọ và 14 xương mặt.
  • Xương tai giữa: 6 xương gồm 3 xương mỗi bên trái - phải.
  • Xương cột sống: 26 xương gồm 7 cổ, 12 ngực, 5 thắt lưng, 1 xương cùng và 1 xương cụt.
  • Xương sườn và xương ức: 25 xương gồm 12 xương sườn mỗi bên và một xương ức.
  • Xương vai: 4 xương gồm 2 xương đòn và 2 xương bả vai.
  • Xương tay: 60 xương bao gồm 2 xương cánh tay, 2 xương trụ, 2 xương quay, 16 xương cổ tay, 10 xương bàn tay, 28 xương ngón tay.
  • Xương chậu: 2 xương ghép nối với nhau tạo thành hình cái chậu.
  • Xương chân: 60 xương gồm 2 xương đùi, 2 xương chày, 2 xương mác, 2 xương bánh chè, 14 xương cổ chân, 10 xương bàn chân, 28 xương ngón chân.

2.Chức năng của hệ xương khớp

Hệ xương có 4 chức năng chính trong cơ thể

2.1 Khung nâng đỡ, định hình và vận động

Xương chính là điểm bám cho cơ và các dây chằng giúp định hình ra hình dáng ổn định bên ngoài. Nếu không có xương thì toàn bộ khối cơ cũng như các cơ quan nội tạng sẽ thành một đống vô định hình nằm trên mặt đất, giống như hình ảnh con sứa sau khi ra khỏi nước.

Xương có những hình dạng cấu trúc không gian khác nhau giúp cố định vị trí của các bộ phận.

  • Xương sọ tạo thành hộp rỗng bên trong để chứa não.
  • Xương sườn là những vòng cung để chứa tim, phổi. Kết hợp với xương cột sống và xương chậu để nâng đỡ các nội tạng khoang bụng.

Việc tạo ra sự vận động, chính là nằm ở cơ và các dây chằng nhưng cần xương để bám vào tạo lực và sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ - xương - khớp mới giúp cơ thể di chuyển linh hoạt.

2.2 Bảo vệ nội tạng khỏi chấn thương cơ học

Xương có độ cứng rất cao và một số xương là cố định giúp che chắn, bảo vệ các cơ quan bên trong khỏi chấn thương cơ học.

Ví dụ như xương sọ bảo vệ não, xương sườn bảo vệ lồng ngực.

2.3 Chứa và bảo vệ tủy, mô sản xuất tạo máu

Có tủy xương và tủy sống. Tủy xương nằm trong các khoang của xương đặc biệt là xương dài (xương đùi, xương cánh tay) và xương dẹt (xương chậu, xương ức). Tủy sống nằm bên trong cột sống.

Tủy xương thì có vai trò sản xuất tế bào máu. Tủy sống là một phần của hệ thần kinh trung ương.

2.4 Là kho dự trữ Calci để cân bằng Calci trong máu

Calci trong máu đóng vai trò rất quan trọng như chất dẫn truyền thần kinh, co cơ (cả cơ tim), đông máu, duy trì nhịp tim, cân bằng nội môi. Việc tăng Calci máu hay giảm Calci máu đều gây ra những vấn đề nguy hiểm, vì vậy luôn có cơ chế giúp kiểm soát nồng độ này.

Khi nồng độ Calci máu tăng sẽ tăng vận chuyển Calci vào xương và ngược lại, khi nồng độ Calci máu giảm sẽ tăng thoái hóa Calci từ xương ra.

Vì vậy, xương giống như một kho để lưu trữ Calci, nhập vào khi thừa và xuất ra khi thiếu.

Mở rộng: Xét nghiệm máu không phải là tiêu chuẩn chẩn đoán loãng xương. Vì ngay cả khi xét nghiệm máu có nồng độ Calci bình thường thì người đó vẫn có nguy cơ bị loãng xương do việc tăng thoái hóa Calci từ xương ra để cân bằng trong máu.

3.Các loại mô xương

Có 2 loại mô xương

Xương đặc

Cấu trúc dày đặc, chắc chắn tạo thành lớp vỏ của xương.

Được tạo từ hệ thống Havers, là một khối xương hình trụ với những tế bào xương tạo thành những lá xương đồng tâm xung quanh ống Havers.

Xương xốp

Giống như miếng bọt biển với những lỗ và hốc có thể nhìn thấy được. Những khoang ở trong xương xốp chứa tủy đỏ xương.

Chủ yếu nằm ở đầu xương dài và trong xương dẹt.

4.Phân loại xương

Xương dài

  • Là các xương có chiều dài lớn hơn chiều rộng, rỗng bên trong. Hai đầu xương có sụn giúp linh hoạt ở khớp nối.
  • Bên trong có hốc tủy, có tủy xương vàng (chủ yếu là mô mỡ) ở người lớn và tủy đỏ ở trẻ em.
  • Bao gồm xương tay, chân, bàn tay, bàn chân trừ cổ tay và cổ chân.

Xương ngắn

  • Là loại xương có kích thước nhỏ như xương cổ tay, cổ chân. Có chiều dài, chiều rộng và độ dày gần như bằng nhau.
  • Cấu trúc khối vuông, hình hộp hoặc hơi tròn có mô xương xốp bên trong chứa tủy xương giúp sản xuất máu.

Xương dẹt

  • Bao gồm xương sườn, xương vai, xương hông và xương sọ.
  • Cấu trúc dẹt, mỏng gồm 2 lá xương cứng bên ngoài và mô xương xốp bên trong chứa tủy đỏ giúp sản xuất máu. Không có ống tủy.

Xương không đều

  • Bao gồm xương cột sống và xương mặt.
  • Cấu tạo từ xương xốp và bao phủ bởi lớp mỏng xương đặc. Bên trong xương xốp có tủy đỏ.

5. Hệ thống khớp

Khớp là phần liên kết giữa hai xương bao gồm khớp động, khớp bán động và khớp bất động.

Khớp động

Là khớp có thể cử động linh hoạt với biên độ lớn chiếm phần lớn các loại khớp trong cơ thể.

Bao gồm:

  • Khớp bản lề: Khớp gối, khớp khuỷu tay.
  • Khớp cầu: Khớp vai, khớp hông.
  • Khớp xoay: Khớp nối giữa xương quay và xương trụ.
  • Khớp phẳng: Có thể trượt nhẹ, khớp giữa các xương cổ tay, cổ chân.
  • Khớp yên: Khớp ngón tay.

Đặc điểm của khớp

  • Có bao hoạt dịch chứa dịch khớp giúp bôi trơn, di chuyển linh hoạt.
  • Có sụn bao khớp.
  • Có dây chằng và cơ bắp bám vào.

Khớp bán động

Là khớp có khả năng cử động nhưng ở mức độ trung bình. Giúp hỗ trợ chuyển động nhỏ và hấp thụ lực tác động.

Bao gồm:

  • Khớp giữa các đốt sống.
  • Khớp mu.
  • Khớp giữa xương sườn và xương ức.

Đặc điểm của khớp

  • Không có hoặc rất ít hoạt dịch.
  • Giữa các xương có mô sụn hoặc mô liên kết dày.

Khớp bất động

Là khớp không có khả năng di chuyển, những khớp này được nối với nhau bằng mô sợi chắc chắn để cố định xương giúp tăng độ bền  cho bộ xương.

Bao gồm:

  • Khớp giữa các xương sọ
  • Khớp giữa xương chậu và xương cùng.
  • Khớp giữa xương mặt

Đặc điểm của khớp

  • Không có hoạt dịch.
  • Liên kết với nhau bằng mô sợi hoặc sụn.
  • Chức năng là bảo vệ, không có chức năng vận động.

6. Các hormon ảnh hưởng đến sự phát triển của xương

Hormon GH (thùy trước tuyến yên)

  • Tăng tốc độ nguyên phân tế bào sụn và tạo cốt bào.
  • Tăng tốc độ tổng hợp Protein bao gồm Collagen, chất căn bản của sụn và enzym cho sự tạo xương và sụn.

Thyroxine (tuyến giáp)

  • Tăng tốc độ tổng hợp Protein
  • Tăng sản xuất năng lượng từ các loại thức ăn.
  • Kích thích hoạt động của nguyên bào xương, thúc đẩy hình thành mô xương mới.

Insulin (tụy)

Tăng sản xuất năng lượng từ Glucose.

Calcitonin (tuyến giáp)

Tham gia vào quá trình điều hòa Calci giữa máu và xương.

Estrogen/Testosterone

Kích thích quá trình đóng tâm sụn đầu xương.

Giúp giữ Calci trong xương.

Mục Lục