Đợi Một Chút..!

Content

Hệ Tiết Niệu

“Tiết” có nghĩa là bài tiết, đào thải. “Niệu” có nghĩa là nước tiểu. Hệ cơ quan này là tổng hợp tất cả các bộ phận có liên quan đến trình tạo ra và đào thải nước tiểu.

1. Tổng quan về hệ tiết niệu

Có thể bạn chưa biết: Cơ quan được cấy ghép thành công đầu tiên là ca ghép thận giữa 2 anh em sinh đôi cùng trứng, được thực hiện vào ngày 23 tháng 12 năm 1954 tại Mỹ. Đánh dấu bước ngoặt trong y học, mở ra kỷ nguyên mới cho lĩnh vực cấy ghép nội tạng.

Vai trò chính của hệ tiết niệu giống như một nhà máy lọc nước sạch. Khi chúng ta ăn/uống bất kỳ thứ gì sẽ đều được hấp thu vào máu. Hệ tiết niệu sẽ làm việc 24/24 để lọc máu loại bỏ đi những cặn bã đào thải (gọi là nước tiểu) và trả lại “máu sạch” về hệ tuần hoàn chung. Không có hệ tiết niệu đồng nghĩa với việc chúng ta không có nước sạch để sử dụng mà phải dùng nước nhiễm bẩn, nhiễm độc.

Theo quá trình hình thành và đường đi của nước tiểu, chúng ta sẽ tìm hiểu về thận → niệu quản → bàng quang → niệu đạo.

2. Thận

Mỗi người sẽ có hai quả thận ở phần trên của ổ bụng và đối xứng 2 bên cột sống và thắt lưng, sau phúc mạc.

Về độ cao: Thận phải sẽ thấp hơn thận trái một chút do sự có mặt của gan ở ¼ trên phải ổ bụng.

Thận được ôm lấy bởi mô mỡ đóng vai trò như cái nệm và bao bọc bởi một màng liên kết xơ gọi là bao thận, giúp giữ thận ở đúng vị trí (không bị sa thận).

Mỗi quả thận có một chỗ lõm gọi là rốn ở mặt giữa của nó. Tại đó động mạch thận đi vào và tĩnh mạch thận cùng với niệu quản đi ra.

2.1 Cấu trúc bên trong của thận

Ở mặt cắt đứng và mặt cắt ngang, có 3 vùng chú ý. Ở ngoài và giữa là các lớp nhu mô và ở chính giữa rốn thận là một khoang. Lớp nhu mô phía ngoài gọi là vỏ thận gọi là vỏ thận được tạo bởi các tiểu cầu thận các tiểu quản.

Lớp phía trong là tủy thận được tạo bởi quai Henle và ống góp. Tủy thận bao gồm nhiều khối hình nón gọi là các tháp thận. Đỉnh của mỗi tháp thận là nhú thận.

Phần thứ 3 là bể thận, nó không phải là một lớp nhu mô, nhưng đúng hơn là một khoang tạo bởi sự giãn ra của niệu quản trong thận ở vùng rốn.Chỗ mở rộng hình phễu gọi là đài thận, chứa nhú của các tháp thận sau đó qua bể thận đổ vào niệu quản.

2.2 Nephron

Nephron là đơn vị cấu trúc và chức năng của thận, giống như neuron (của hệ thần kinh). Mỗi quả thận có xấp xỉ 1 triệu nephron. Đi cùng với các mạch máu, bên trong nephron là nơi nước tiểu được tạo ra.

Mỗi nephron có 2 phần chính:

  • 1 tiểu cầu thận.
  • 1 ống tiểu quản.

2.2.1 Tiểu cầu thận

Một tiểu cầu thận bao gồm một cuộn mao mạch cầu thận được bao bọc xung quanh bởi một bao Bowman. Cuộn mao mạch cầu thận là mạng lưới mao mạch xuất phát từ một động mạch đến và đổ vào động mạch đi. Đường kính của động mạch đi nhỏ hơn đường kính của động mạch đến giúp duy trì huyết áp khá cao ở cuộn mạch.

Bao Bowman là chỗ phình ra của đoạn cuối của ống thận, nó bao xung quanh cuộn mạch. Lớp trong của bao Bowman tạo bởi các tế bào podocytes - là tế bào có chân và chân của chúng nằm trên bề mặt của cuộn mao mạch cầu thần.

Sự sắp xếp của các tế bào podocyte tạo ra các lỗ, các khe rãnh giữa các chân liền kề khiến cho lớp này rất dễ thấm qua.

Lớp ngoài của bao Bowman không có các khe và không thấm qua được. Khoảng giữa 2 lớp của bao Bowman chứa dịch lọc cầu thận được lọc từ máu trong cuộn mao mạch và cuối cùng sẽ trở thành nước tiểu.

2.2.2 Ống thận

Ống thận nối từ bao Bowman và đến các phần sau: ống lượn gần (nằm ở vỏ thận), quai Henle (nằm ở tủy thận), ống lượn xa (nằm ở vỏ thận. Các ống lượn xa từ một vài nephron đổ vào một ống góp. Một vài ống góp sau đó hợp lại và tạo thành ống nhú, ống nhú dẫn nước tiểu đổ vào một đài thận của bể thận.

Tất cả các phần của ống thận được bao bọc bởi các mao mạch quanh ống thận xuất phát từ các động mạch đi. Các mao mạch quanh ống thận sẽ nhận sẽ nhận các chất được tái hấp thu từ ống thận.

2.3 Các mạch máu của thận

Dòng máu chảy qua thận là một phần thiết yếu của quá trình tạo ra nước tiểu. Máu từ động mạch chủ bụng chảy vào động mạch thận và phân nhánh trong thận thành các động mạch gian thùy (giữa các tháp thận). Mỗi động mạch gian thuỳ trở thành một động mạch cung (cung động mạch nằm trên tháp thận) và phân nhánh thành các động mạch gian tiểu thùy và đi vào vỏ thận. 

Các động mạch gian tiểu thùy cho ra các nhánh động mạch đến ở vỏ thận. Từ các động mạch đến, máu đổ vào các mao mạch cầu thận, tới các động mạch đi, rồi các mao mạch quanh ống thận và tới các tĩnh mạch cùng tên (tĩnh mạch cung, tĩnh mạch gian tiểu thùy). Các tĩnh mạch gian thùy hợp lại ở rốn thận để tạo thành tĩnh mạch thận, đổ vào tĩnh mạch chủ dưới.

3. Niệu quản

Niệu quản là một ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Mỗi người có 2 niệu quản nối với 2 quả thận.

3.1 Vị trí và đặc điểm của niệu quản

Niệu quản dài khoảng 25-30 cm. Bắt đầu từ bể thận ở rốn thận và kết thúc khi đổ vào bàng quang tại lỗ niệu quản.

Niệu quản được chia ra 3 đoạn

  • Niệu quản bụng: Chạy từ rốn thận  → cơ thắt lưng lớn. Bắt chéo động mạch chậu chung hoặc động mạch chậu ngoài.
  • Niệu quản chậu: Đi trong hố chậu, sát thành sau phúc mạc.
  • Niệu quản chậu hẹp (niệu quản bàng quang): Đi vào thành sau bàng quang theo hướng chéo xiên → chống trào ngược nước tiểu.

Niệu quản có 3 điểm hẹp sinh lý

  • Chỗ nối bể thận.
  • Chỗ bắt chéo động mạch chậu.
  • Chỗ đổ vào bàng quang (lỗ niệu quản).

→ Tại các điểm hẹp này có thể gây ra hiện tượng kẹt sỏi.

3.2 Cấu tạo thành niệu quản

Gồm 3 lớp

  • Lớp niêm mạc: Lót trong, biểu mô chuyển tiếp.
  • Lớp cơ trơn: 2 lớp cơ (niệu quản bụng), 3 lớp cơ (niệu quản bàng quang) → đẩy nước tiểu theo nhu động.
  • Lớp mô liên kết: Bảo vệ, giúp niệu quản di động linh hoạt.

4. Bàng quang

Bàng quang là một tạng rỗng (như một cái túi) để chứa nước tiểu từ thận trước khi được thải ra ngoài.

4.1 Vị trí

Nằm trong hố chậu bé, sau xương mu và trước trực tràng ở nam giới và trước tử cung của nữ giới.

Khi chứa đầy nước tiểu, có thể trồi lên khỏi khớp mua, sờ được qua thành bụng.

4.2 Cấu tạo thành bàng quang

  • Lớp niêm mạc: Biểu mô chuyển tiếp có khả năng giãn nở.
  • Lớp cơ trơn: Còn gọi là cơ detrusor khi co → đẩy nước tiểu ra ngoài. Lớp cơ này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ và bài tiết nước tiểu. Giãn thụ động, không co bóp để chứa nước tiểu - Co bóp chủ động để đẩy nước tiểu ra ngoài.
  • Lớp thanh mạc/mô liên kết: Phủ ngoài, liên kết với các tạng xung quanh.
Câu hỏi: Tam giác bàng quang là gì?
Trả lời: Là vùng giữa 2 lỗ niệu quản và lỗ niệu đạo, có niêm mạc cố định không có nếp gấp, khác với vùng thân co giãn. Vai trò cực kỳ quan trọng trong chức năng giữ và thải nước tiểu, thường là nơi nhiễm trùng tái phát.

Mở rộng: Ý nghĩa và vai trò của các nếp gấp tại bàng quang.

  • Tăng khả năng giãn nở: Các nếp gấp giúp bề mặt niêm mạc bàng quang co lại gọn gàng khi không chứa nước tiểu. Khi bàng quang đầy, các nếp này duỗi ra, làm tăng thể tích mà không gây căng quá mức thành bàng quang. 
  • Dự trữ nước tiểu linh hoạt: Nhờ có các nếp gấp, bàng quang có thể chứa 300-500ml nước tiểu mà vẫn duy trì áp lực nội bàng quang ổn định. Do thể tích tăng lên nhờ có thêm không gian sau khi các nếp gấp giãn.
  • Hạn chế kích thích tiểu sớm: Các nếp gấp tạo ra “đệm” niêm mạc → giúp hạn chế cảm giác kích thích khi bàng quang chưa thực sự đầy. Điều này có ý nghĩa đến sinh hoạt hàng ngày. Thử tượng tượng nếu không có ý nghĩa này thì cứ có nước tiểu trong bàng quang thì người ta sẽ buồn đi vệ sinh, như vậy sẽ rất bất tiện.

5. Niệu đạo

Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể và có sự khác biệt về cấu trúc, chiều dài giữa nam và nữ.

Đối với nam: Chiều dài ~ 18-20cm, không chỉ có chức năng dẫn nước tiểu mà còn cả tinh dịch. Lỗ niệu đạo nằm ở đỉnh quy đầu.

Đối với nữ: Dài ~ 3-4cm. Chức năng là dẫn nước tiểu.

Điều này giải thích cho việc tại sao nhiễm trùng tiểu hay gặp ở phụ nữ hơn.

Do niệu đạo của nữ ngắn và thẳng nên dễ bị nhiễm khuẩn ngược dòng (viêm bàng quang, viêm thận…).

Mục Lục