Đợi Một Chút..!

Content

Hệ Da

Da là lớp áo bao phủ toàn bộ cơ thể (trừ các hốc tự nhiên) gồm nhiều lớp với vai trò nhiệm vụ khác nhau, quan trọng nhất là bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên ngày nay, da còn là một tiêu chuẩn cho cái đẹp nên được chăm sóc rất kỹ đặc biệt là da vùng mặt. Vậy hãy tìm hiểu xem da có cấu tạo như thế nào để chăm sóc tốt hơn.

1.Lớp thượng bì

Lớp thượng bì được cấu tạo từ biểu mô và sừng hóa, dày nhất là ở lòng bàn tay, bàn chân. Giữa các tế bào sừng không có mao mạch liên kết, thay vào đó liên kết bằng các thể nối được tạo thành từ các Protein màng. Ở lớp thượng bì được cấu tạo từ 5 lớp nhỏ, quan trọng nhất là lớp mầm và lớp sừng.

1.1 Lớp mầm.

Hay còn gọi là lớp đáy nghĩa là lớp trong cùng. Mầm biểu thị cho sự nảy mầm, sự phát triển. Tại đây các tế bào mới liên tục được sinh ra, đẩy các tế bào già cỗi đi về phía mặt da, các tế bào này tạo ra một loại Protein là Keratin và chúng chết đi (gọi là tế bào chết) khi chúng các quá xa lớp trung bì do không được cung cấp dinh dưỡng từ mao mạch và sẽ được thay thế bởi những tế bào mới.

1.2 Lớp sừng

Là lớp ngoài cùng của thượng bì bao gồm nhiều lớp tế bào chết, còn sót lại là Keratin.

Keratin có khả năng chống thấm nước tương đối và ngăn không cho bay hơi của cơ thể. Ngoài ra, Keratin còn có khả năng ngăn chặn sự xâm nhập của nước vào cơ thể nhờ đó chúng ta mới có thể bơi, ngâm mình trong nước.

Lớp sừng cũng là hàng rào bảo vệ cơ thể trước hóa chất và tác nhân gây bệnh. Bề mặt lớp sừng là “Ngôi nhà chung” của quần thể vi sinh vật sinh sống, chúng không gây bệnh khi lớp da còn nguyên vẹn.

Câu hỏi: Vết chai trên da là gì?
Trả lời: Ở một số vị trí da do thường xuyên bị cọ sát, tỳ đè làm cho lớp thượng bì bị phân tách khỏi lợp hạ bị, sẽ có dịch mô tích tụ giữa 2 lớp này gọi là “Phồng rộp”. Khi quá trình này diễn ra thường xuyên, sự phân bào ở lớp mầm tăng lên và tạo ra lớp biểu bì dày hơn và gọi là chai. Như vậy, vết chai có thể biến mất nếu chúng ta dừng quá trình kể trên, loại bỏ lớp sừng dày và nuôi dưỡng các tế bào mới được tạo ra.
Câu hỏi: Các vân ở lòng bàn tay bàn chân có vai trò gì?
Trả lời: Dấu vân tay của mỗi cá thể là duy nhất, đó là các nếp của lớp thượng bì và hạ bị. Người ta cho rằng các vân này giúp cho việc cầm nắm tốt hơn vì tăng ma sát hơn, ngoài ra còn giúp các đầu ngón tay nhạy cảm hơn với kết cấu của vật. Nhưng không thuyết phục lắm, người ta vẫn chưa tìm ra vai trò thực sự của lớp vân này là gì với sinh lý của cơ thể.

1.3 Các loại tế bào quan trọng có ở lớp thượng bì

Tế bào Langerhans

Còn được gọi là tế bào tua, vì xuất hiện chân giả khi di chuyển. Chúng có khả năng thực bào các vật lạ xâm nhập vào da qua vết thương. Sau khi thực bào, chúng di chuyển tới hạch Lympho và gây ra đáp ứng miễn dịch.

Đây là một phần của cơ chế miễn dịch tự nhiên, là cơ chế đáp ứng miễn dịch nhanh nhất của cơ thể với tác nhân gây bệnh.

Tế bào Merkel

Hay còn gọi là đĩa Merkel, là những thụ thể cảm giác sờ, liên kết với đầu dây thần kinh thường ở vị trí da có độ nhạy cảm cao như đầu ngón tay, môi.

Có chức năng là giúp nhận biết hình dạng, kết cấu bề mặt là những xúc giác chậm (cảm giác tĩnh).

1.5 Tế bào sắc tố

Trên da thì tế bào sắc tố chủ yếu nằm ở lớp mầm của biểu bì. Có vai trò chủ yếu là sản xuất ra một loại sắc tố gọi là Melanin từ Tyrosin và truyền Melanin đến tế bào sừng.

Khi da tiếp xúc với tia UV sẽ tăng việc tiết ra Melanin để bảo vệ da.

1.6 Melanin

Melanin được tạo ra từ tế bào sắc tố.

Có 2 loại Melanin:

  • Eumelanin: Có màu đen hoặc nâu giúp da có màu sẫm.
  • Pheomelanin: Có màu đỏ hoặc vàng.

Sự kết hợp giữa Eumelanin và Pheomelanin quyết định đến màu sắc của da, tóc và mắt.

Việc tăng tiết Melanin sẽ làm cho da bị sẫm màu hơn, đen hơn nhưng đó là hàng rào bảo vệ giúp giảm sự tiếp xúc của tế bào mầm và tế bào Langerhem trước tác hại của tia UV, giảm nguy cơ bị ung thư da.

Tuy nhiên tác hại của việc tăng tiết Melanin này bên cạnh tính thẩm mỹ còn làm giảm khả năng sản xuất Vitamin D.

2. Lớp trung bì

Lớp trung bì được cấu tạo từ các mô liên kết dạng sợi chạy đan chéo nhau và chạy theo mọi hướng.

Các tế bào sợi này sản xuất ra cả Collagen (Chắc khỏe) và Elastin (Đàn hồi) giúp cho da có độ chắc và độ đàn hồi nhất định.

Theo tuổi tác các Elastin bị thoái hóa khiến da có những nếp nhăn.

Phần tiếp nối giữa lớp trung bì và hạ bị không bằng phẳng gọi là lớp nhú. Các mao mạch ở đây rất dồi dào dùng để nuôi dưỡng lớp trung bì và lớp mầm của thượng bị.

2.1 Nang lông

Nang lông bao gồm:

  • Nhú bì (là một phần lồi ra của mô liên kết trung bì) có chứa các mạch máu để cung cấp dinh dưỡng.
  • Chân lông: Chứa các tế bào gọi là tế bào nền xảy ra sự phân bào. Các tế bào tạo ra sản xuất Keratin, được nhuộm Melanin và sau đó thì chết và được hợp nhất vào thân lông và đẩy về phía bề mặt da.
  • Cơ dựng lông: Một cơ nhỏ giúp lông dựng lên khi lạnh hoặc khi có kích thích (còn gọi là nổi da gà).
  • Lỗ nang lông: Phần mở trên bề mặt da cho lông mọc ra.
  • Tuyến bã nhờn: Tiết dầu.
  • Thân lông: Mọc từ nang lông được cấu tạo từ Keratin.
Mở rộng: Hàng tháng tóc dài trung bình thêm 8-10mm và mỗi ngày rụng khoảng 50-100 sợi.

Ở người chức năng của lông rất hạn chế, chỉ có lông mày, lông mi để cản bụi bảo vệ mắt. Tóc giúp da đầu cách nhiệt.

2.2 Nang móng

Nang móng có ở đầu các ngón tay và chân để tạo ra móng giống như nang lông tạo ra lông.

Là nơi tế bào sừng được tạo ra và móng bắt đầu mọc ra. Nằm dưới da và ở gốc móng, không nhìn thấy từ bên ngoài. Quyết định độ dày và tốc độ phát triển của móng.

2.3 Receptor

Lớp trung bì chứa hầu hết các thụ thể cảm giác cho da. Các cảm giác ở da bao gồm: chạm, sờ, áp lực, nhiệt độ nóng - lạnh, ngứa, đau. Mỗi loại cảm giác sẽ do một loại thủ thể riêng biệt truyền tải thông tin đến thần kinh trung ương, các thông tin này sẽ kích thích tạo ra đáp ứng.

Độ nhạy cảm của một vùng da được quyết định bởi số lượng thụ thể hiện diện ở vùng da đó.

Da ở đầu ngón tay có mật độ thụ thể dày đặc nên rất nhạy cảm khi chạm vào, còn ở vùng cánh tay thì thưa thớt hơn nên ít nhạy cảm hơn.

Câu hỏi: Nếu ở đầu ngón tay là tập trung nhiều thụ thể nhất vậy tại sao khi test mỹ phẩm mọi người lại không dùng đầu ngón tay mà lại dùng phần cánh tay đặc biệt là mặt trong của cánh tay?
Trả lời: Vì mỗi loại thụ thể sẽ đảm nhiệm một chức năng cảm nhận riêng với một yếu tố kích thích. Liên quan đến việc gây kích ứng, dị ứng trên da do mỹ phẩm lại liên quan đến receptor TRPV1, PAR-2 và Histamin H1/H4 có ít ở đầu ngón tay, đầu ngón tay là tập chung thụ thể cơ học (cảm giác chạm, áp lực). Ngoài ra còn một số lý do khác như ở đầu ngón tay có lớp sừng dày hơn nhiều so với da ở mặt trong cánh tay nên ngăn cản dị nguyên và hóa chất xâm nhập. Da đầu ngón tay ít tuyến bã nhờn, không có lỗ chân lông nên dị nguyên khó thấm sâu vào da. Đầu ngón tay ít tế bào miễn dịch hơn, ít phản ứng dị ứng hơn.

2.4 Các tuyến

Tuyến bã

Đổ vào nang lông hoặc trực tiếp lên bề mặt da. Sản phẩm tiết là một loại chất béo còn gọi là “dầu”.

Các acid béo trong bã nhờn có tác dụng ngăn ngừa khô da, tóc, ức chế vi khuẩn trên bề mặt da.

Tuy nhiên việc tiết quá nhiều bã nhờn đặc biệt ở thanh thiếu niên cũng gây ra những rắc rối. Gây bít tắc lỗ chân lông mà tại đó bao gồm bã nhờn, vi khuẩn, xác vi khuẩn, thực bào, bạch cầu gây viêm lỗ chân lông, gây mụn trứng cá.

Tuyến bã nhờn có nhiều quanh mũi và miệng nên đây là khu vực nổi mụn phổ biến ở người trẻ.

Tuyến ráy tai

Nằm ở trung bì của ống tai. Ráy tai là chất tiết bao gồm bã nhờn giúp ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập, giữ cho bề mặt màng nhĩ không bị khô. Tuy nhiên nếu để quá nhiều thì ráy tai sẽ trở nên khô, cứng bám chắc vào thành trong của thành của tai gây cản trở đến khả năng nghe.

Câu hỏi: Tại sao có người ráy tai khô, có người ướt và trường hợp nào thì tốt hơn.
Trả lời: Ướt hay khô là do lượng chất tiết (là các lipid) được tiết ra. Ở ráy tai ướt có nhiều lipid hơn và việc ít hay nhiều có yếu tố di truyền do gen ABCC11 quyết định. Việc ráy tai ướt giúp duy trì độ ẩm trong tai, nhưng cũng là điều kiện để tích tụ vi khuẩn, ẩm mốc trong tai nguy cơ gặp các bệnh ở tai và tai mũi họng nói chung

Tuyến mồ hôi

Có 2 loại tuyến mồ hôi: Tuyến bán hủy và tuyến chế tiết.

Thanh phần chủ yếu là nước, có chứa muối NaCl và hàng trăm các chất khác và có những chất dễ bay hơi.

Đó cũng chính là lý do vì sao mồ hôi có vị mặn và còn vết màu trắng là muối trên áo khi khô, mỗi người sẽ có một mùi hương riêng được tiết ra cùng mồ hôi nên động vật như chó có thể phân biệt được ai với ai.

2.5 Tiểu động mạch

Tiểu động mạch có vai trò:

  • Giãn mạch khi thời tiết nóng để thải nhiệt.
  • Co mạch khi thời tiết lạnh để giảm mất nhiệt.
  • Co mạch trong các tình huống stress để cấp máu cho các cơ quan quan trọng.

3. Lớp hạ bì

Còn gọi là mô liên kết dưới da giúp kết nối lớp trung bì với cơ ở dưới.

3.1 Mô liên kết thưa

Chứa sợi keo (Collagen) và sợi chun (Elastin) cùng nhiều tế bào bạch cầu đã thoát mạch đi lang thang nằm giữa lớp da và cơ.

Tế bào Mast cũng có mặt ở đây được tìm thấy trong mô liên kết ở khắp cơ thể. Mast và bạch cầu sản xuất ra Histamin, Leucotrien và các hóa chất gây phản ứng viêm.

3.2 Mô mỡ

Chứa năng lượng được lưu trữ dưới dạng chất béo.

Đệm cho các ụ xương lồi.

Cung cấp lớp cách nhiệt.

Tạo ra cytokin kích hoạt tế bào bạch cầu.

 

Mục Lục