Đợi Một Chút..!

Content

Sử Dụng Thuốc Ở PNCCB

“Sữa mẹ là tất cả dưỡng chất con cần trong 6 tháng đầu đời rồi”. Giúp cung cấp dinh dưỡng tối ưu, truyền kháng thể cho con, tăng sự “kết nối” mẹ - con… Chính vì vậy khi sử dụng thuốc cho đối tượng PNCCB cần hết sức chú ý. Thuốc có qua được sữa mẹ gây ảnh hưởng đến bé, thuốc có làm tăng hay giảm tiết sữa không, thuốc có làm thay đổi mùi vị của sữa không.

 

1

. Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển thuốc vào sữa.

1.1 Thuộc về thuốc

Các đặc điểm của thuốc được coi là an toàn trong thời gian cho con bú

Liều dùng tương đối của trẻ <10%

  • LD tương đối = Lượng thuốc trẻ bú/LD mẹ x 100% .
  • Lượng thuốc trẻ bú = Nồng độ thuốc trong sữa mẹ x lượng sữa trẻ bú.
  • Lượng sữa trẻ bú = 0,15 L/kg

Tỷ lệ nồng độ thuốc trong sữa so với huyết tương < 1

  • Thuốc tan nhiều trong Lipid ~1
  • Thuốc liên kết nhiều với Protein trong huyết tương của mẹ < 1
  • Thuốc có phân tử lượng nhỏ dưới 200 Da, tan nhiều trong nước ~1
  • Thuốc có tính Acid yếu < 1
  • Thuốc có tính Base yếu > 1
  • Thuốc vận chuyển tích cực > 1

Tỷ lệ thuốc gắn với Protein huyết tương > 90%

>90% được xem là thuốc có tỷ lệ liên kết với Protein huyết tương cao, khi đó thuốc ở dạng tự do có tác dụng dược lý sẽ thấp.

Trọng lượng phân tử thuốc > 200 dalton

Do màng tế bào biểu mô của tuyến vú giống như một hàng rào sinh học ngăn cản các thuốc có trọng lượng phân tử lớn khuếch tán thụ động qua màng này.

Thuốc không hấp thu qua đường uống hoặc sinh khả dụng qua đường uống thấp

  • Thuốc có tác dụng tại chỗ như thuốc bôi, thuốc xịt sẽ không/rất ít hấp thu vào vòng tuần hoàn chung.
  • Thuốc có thời gian bán thải ngắn
  • Thuốc sẽ nhanh được đào thải ra khỏi mẹ giảm việc vận chuyển thuốc qua sữa.

1.2 Thuộc về mẹ và bé

Việc bài tiết sữa của mẹ

Lượng sữa tiết ra nhiều, sẽ làm nồng độ thuốc trong sữa thấp làm tăng khuếch tán thụ động thuốc trong máu vào sữa.

Việc bú mẹ của trẻ

  • Lượng sữa trẻ bú.
  • Thời điểm trẻ bú (lưu ý thời điểm thuốc đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương).

2. Các thuốc ảnh hưởng đến khả năng bài tiết sữa

2.1 Thuốc làm tăng tiết sữa

Nhóm thuốc Antidopaminergic

  • Các thuốc này ức chế Dopamine, làm tăng tiết Prolactin tăng tiết sữa.
  • Bao gồm các thuốc: Domperidon, Metoclopramid, Sulpirid, Cimetidin,...

Hormon và dẫn xuất

  • Oxytocin: Làm kích thích tăng co bóp tế bào cơ quanh nang vú.
  • Estrogen và Progesteron liều thấp.

Thảo dược

Kế sữa, gừng, nghệ, hạt vừng, đu đủ xanh…

2.2 Thuốc làm giảm tiết sữa

Thuốc kích thích Dopamin ức chế Prolactin

Bromocriptine, Cabergoline, Lisurid.

Thuốc có tác dụng đối kháng gián tiếp Prolactin

Thuốc co mạch & giảm phù nề: Phenylephrine, Pseudoephedrine, Alphachymotrypsin.

Mở rộng: Giải thích về Alphachymotrypsin: Liên quan đến yếu tố kích thích tiết sữa tự nhiên, khi tuyến vú bị căng tức sẽ làm kích thích tăng tiết sữa nên đây là cơ chế gián tiếp do Alphachymotrypsin làm phân giải Protein giảm sưng, phù nề. Cũng rất hay cắt alphachymotrypsin trong liều cắt sữa ở nhà thuốc.

Một số thuốc khác

Androgen, Kháng H1 thế hệ 1, Nicotin (thuốc lá).

3. Thuốc ảnh hưởng đến mùi vị của sữa

Thuốc thay đổi mùi của sữa mẹ

  • Metronidazol: Làm sữa có mùi kim loại.
  • Doxycyclin và Tetracyclin làm sữa có mùi hăng, đắng.
  • Thuốc chứa Iod: Làm sữa có mùi Iod đặc trưng.

Thuốc thay đổi vị của sữa

  • Thuốc lợi tiểu: Có thể gây vị mặn hoặc nhạt bất thường.
  • Rượu: Khiến sữa có mùi cồn.
  • Kháng sinh Penicillin, Ampicillin, Cephalosporin: Sữa có vị đắng hoặc hơi chua.

4. Khi nào không được phép cho con bú?

Thuộc về mẹ

  • Lạm dụng rượu, lạm dụng ma túy.
  • Nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người.
  • Nhiễm virus lymphotropic.
  • Lao không được điều trị.
  • Tổn thương vú do nhiễm Herpes.
  • Đang tiến hành hóa trị hoặc xạ trị.

Thuộc về con

Trẻ thiếu men không dung nạp được Lactose. Phải dùng sữa ngoài, loại không có thành phần Lactose.

5. Nguyên tắc chung trong sử dụng thuốc ở PNCCB

  • Hạn chế tối đa việc dùng thuốc.
  • Cân nhắc lợi ích - nguy cơ cho cả mẹ và con trước khi dùng thuốc. Tại nhà thuốc ưu tiên sử dụng thuốc/TPCN được khuyến cáo là an toàn cho PNCCB.
  • Chọn thuốc an toàn cho trẻ bú thải trừ nhanh.
  • Nếu bắt buộc phải dùng thuốc tránh dùng liều cao, dùng trong ngắn ngày và ngừng ngay khi có hiệu quả.
  • Thời điểm dùng thuốc: Dùng thuốc sau khi cho con bú, dùng trước cữ ngủ dài nhất trong ngày của trẻ.
  • Nếu không thể cho trẻ bú do đang dùng thuốc cần vắt sữa bỏ đi và dùng sữa ngoài thay thế. Sau khi ngừng thuốc cần chờ thêm một khoảng thời gian (khoảng 4 lần t1/2) rồi mới cho trẻ bú lại.

6. Một số bệnh thường gặp ở PNCCB

6.1 Viêm vú liên quan đến tiết sữa.

Đây là tình trạng viêm cục bộ tại vú với các triệu chứng: Sốt, đau, đỏ vú.

Nguyên nhân: Có thể nhiễm khuẩn hoặc vô khuẩn.

Thường xảy ra trong 6 tuần đầu sau sinh.

Điều trị.

Nếu là vô khuẩn, có thể do tắc sữa gây sưng, đau. Điều trị triệu chứng giảm đau và sưng. Làm rỗng ngực bằng việc cho trẻ bú hoặc hút sữa.

Sau 12 - 24h điều trị với phương pháp trên mà không cải thiện, có khả năng đã nhiễm khuẩn.

Sử dụng kháng sinh và tiếp tục điều trị triệu chứng.

Sau 48 - 72h không cải thiện, cần siêu âm để xác định có áp xe vú không.

6.2 Nấm vú

Được chẩn đoán là nấm vú khi núm vú bị đau, đã loại trừ được các nguyên nhân gây đau khác kèm với trẻ bú mẹ có nấm miệng rõ ràng.

Điều trị

Bôi Miconazole hoặc Clotrimazole tại chỗ. Không dùng Ketoconazol do nguy cơ nhiễm độc gan ở trẻ sơ sinh.

Trước khi cho trẻ bú nên lau sạch thuốc bằng dầu thay vì xà phòng/nước vì có thể gây kích ứng. Trẻ bú xong nên bôi thuốc lại.

Phác đồ tại chỗ không đỡ cân nhắc lựa chọn Fluconazol đường uống để thay thế.

 

Mục Lục